Quan hệ nhân thân là một trong những khái niệm được nhiều người sử dụng, kể cả trong cuộc sống lẫn trong các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, để hiểu rõ quan hệ nhân thân là gì thì không phải ai cũng nắm được.
1. Quan hệ nhân thân là gì? Gồm những loại nào?
Quan hệ nhân thân là khái niệm được sử dụng nhiều trong các văn bản pháp luật như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hộ tịch… Tuy nhiên, ở tất cả các văn bản pháp luật đều chưa có một khái niệm cụ thể về quan hệ nhân thân.
Hiện nay, tại Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể là Mục 2 Bộ luật Dân sự chỉ quy định về quyền nhân thân. Theo đó, khoản 1 Điều 25 Bộ luật Dân sự nêu rõ:
Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Trong đó, quyền nhân thân của một cá nhân gồm quyền có họ, tên; quyền thay đổi họ; quyền thay đổi tên; quyền xác định, xác định lại dân tộc; quyền được khai sinh, khai tử; quyền với hình ảnh, với quốc tịch…
Do đó, nhân thân là những vấn đề xung quanh bản thân một người, được hình thành từ khi sinh ra đến khi chết đi, gắn với cá nhân của một người. Qua đó, có thể hiểu quan hệ nhân thân là những quan hệ xung quanh một cá nhân cụ thể, có thể là quan hệ ruột thịt hoặc nuôi dưỡng…
Riêng tại khoản 4 Điều 68 Luật Hôn nhân và Gia đình, khái niệm về quan hệ nhân thân được đề cập đến như sau:
Mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự…
Căn cứ các quy định này, có thể thấy, mặc dù quan hệ nhân thân không được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật nhưng có thể hiểu quan hệ nhân thân là các quan hệ của cá nhân với người khác như cha, mẹ, anh, chị, em… và không thể chuyển giao cho người khác.
Quan hệ nhân thân là gì? (Ảnh minh họa)
2. Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân
Mặc dù không có định nghĩa cụ thể về quan hệ nhân thân nhưng tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 62/2021/NĐ-CP có quy định về giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân gồm:
– Quan hệ vợ, chồng: Đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân…
– Quan hệ cha, mẹ, con: Giấy khai sinh, quyết định nhận cha mẹ con, quyết định nuôi con nuôi…
– Quan hệ anh, chị, em ruột: Giấy khai sinh, xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã…
– Quan hệ cụ nội, cụ ngoại, ông bà nội, ông bà ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú bác ruột, người giám hộ: Quyết định cử người giám hộ, xác định của Ủy ban nhân dân cấp xã…
– Người chưa thành niên: Giấy khai sinh, thẻ Căn cước công dân, hộ chiếu còn thời hạn…
– Không còn cha, mẹ: Giấy chứng tử của cha, mẹ, quyết định của Tòa tuyên bố cha mẹ mất tích, chết…
3. Quan hệ nhân thân của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết
Với người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì quan hệ nhân thân được quy định tại Điều 72 Bộ luật Dân sự được giải quyết như người đã chết.
Riêng với người đã được tuyên bố chết nhưng được Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó đã chết thì sẽ được khôi phục các quan hệ nhân thân trừ các mối quan hệ sau đây:
– Nếu đã ly hôn thì quyết định ly hôn của người bị tuyên bố đã chết trước đó vẫn còn hiệu lực.
– Nếu vợ, chồng của người bị tuyên bố là đã chết kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân này vẫn có hiệu lực.
– Vợ/chồng người bị Tòa án quyết định hủy tuyên bố đã chết chưa kết hôn thì quan hệ hôn nhân được khôi phục kể từ thời điểm kết hôn.
Như vậy, nếu một người trước đó bị Tòa án tuyên bố đã chết sau đó được Tòa án hủy quyết định này thì sẽ được khôi phục quan hệ nhân thân như trước khi bị tuyên bố chết ngoại trừ các trường hợp nêu trên.
Trên đây là giải đáp về quan hệ nhân thân là gì. Nếu còn thắc mắc các vấn đề liên quan bài viết này, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.