Cách xem sơ đồ thửa đất và lý do cần biết rõ sơ đồ thửa đất Update 01/2025

Sơ đồ thửa đất là bản vẽ chứa đựng các thông tin về thửa đất, nếu người dân biết cách xem sơ đồ thửa đất và hiểu thông tin khác về thửa đất sẽ tránh được một số rủi ro, nhất là khi mua đất thông qua cò đất.

1. Sơ đồ thửa đất thể hiện thông tin gì?

Điểm a khoản 1 Điều 12 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định sơ đồ thửa đất thể hiện những thông tin như sau:

(1) Hình thể của thửa đất, chiều dài các cạnh thửa.

(2) Số hiệu thửa hoặc tên công trình giáp ranh, chỉ dẫn hướng Bắc-Nam.

(3) Chỉ giới, mốc giới quy hoạch sử dụng đất, chỉ giới, mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình trên thửa đất cấp Giấy chứng nhận được thể hiện bằng đường nét đứt xen nét chấm kèm theo đó là ghi chú loại chỉ giới, mốc giới.

(4) Trường hợp thửa đất hợp nhất từ nhiều thửa có nguồn gốc, thời hạn sử dụng khác nhau hoặc có phần đất sử dụng riêng của một người và phần đất sử dụng chung thì thể hiện ranh giới giữa các phần đất bằng đường nét đứt xen nét chấm, kèm theo ghi chú thích theo mục đích của đường ranh giới đó.

Trường hợp đất có nhà chung cư mà diện tích đất sử dụng chung của các chủ căn hộ chung cư là một phần diện tích của thửa đất thì phải thể hiện phạm vi ranh giới phần đất sử dụng chung đó.

Lưu ý một trường hợp không thể hiện sơ đồ thửa đất gồm:

– Cấp 01 Giấy chứng nhận cho nhiều thửa đất nông nghiệp.

– Đất xây dựng công trình theo tuyến.

cach xem so do thua dat

2. Hiểu rõ sơ đồ thửa đất giúp tránh được rủi ro

Nếu biết cách xem sơ đồ thửa đất sẽ giúp người mua biết được một số thông tin về thửa đất, kiểm chứng được thông tin của người bán,… thông qua đó sẽ tránh được những rủi ro đáng tiếc xảy ra, cụ thể:

(1) Trong một số trường hợp sơ đồ thửa đất giúp người mua biết được vị trí thửa đất.

(2) Giúp người sử dụng đất biết rõ hình thể thửa đất (hình dáng thửa đất).

(3) Chiều dài các cạnh thửa đất, trong đó ghi rõ chiều dài các cạnh (mét) và thể hiện rõ số hiệu đỉnh thửa đối với thửa đất có nhiều cạnh.

(4) Biết được số thửa tiếp giáp với thửa đất dự định mua và chiều hướng chỉ dẫn hướng Bắc – Nam (xem được hướng của thửa đất).

(5) Biết được chỉ giới, mốc giới quy hoạch sử dụng đất chi tiết thông qua đó sẽ giúp người nhận chuyển nhượng có thuộc chỉ giới, mốc giới quy hoạch hay không để tránh được rủi ro.

(6) Giúp người mua biết được chỉ giới, mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình có liên quan đến thửa đất như công trình giao thông, hệ thống dẫn điện, công trình thủy lợi,…

3. Thông tin sơ đồ thửa đất trên Sổ đỏ

Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư 23/2014/TT-BTNMT hướng dẫn sơ đồ thửa đất thể hiện tại trang 3 Giấy chứng nhận với đầy đủ các thông tin như nội dung trên, cụ thể:

– Sơ đồ thửa đất được thể hiện trên cơ sở bản đồ địa chính hoặc bản trích đo hoặc tài liệu đo đạc khác đã được sử dụng để cấp Giấy chứng nhận.

Cạnh của thửa đất thể hiện bằng đường nét liền khép kín; kích thước chiều cạnh thửa đất thể hiện trên sơ đồ theo đơn vị mét (m), được làm tròn đến hai chữ số thập phân (xem hình 1, hình 3, hình 4).

Trường hợp thửa đất có nhiều cạnh, không đủ chỗ thể hiện chiều dài các cạnh thửa trên sơ đồ thửa đất thì đánh số hiệu các đỉnh thửa bằng các chữ số tự nhiên theo chiều kim đồng hồ và lập biểu thể hiện chiều dài các cạnh thửa tại một vị trí thích hợp bên cạnh sơ đồ (xem hình 2).

Trường hợp thửa đất có ranh giới là đường cong thì thể hiện tổng chiều dài đường cong ranh giới đó và không thể hiện tọa độ đỉnh thửa (xem hình 3).

– Sơ đồ thửa đất được thể hiện trên Giấy chứng nhận không theo tỷ lệ cố định. Căn cứ vào kích thước thửa đất trên bản đồ (hoặc bản trích đo địa chính) có thể phóng to hoặc thu nhỏ theo tỷ lệ đồng dạng để thể hiện cho phù hợp; tuy nhiên phải bảo đảm kích thước tối thiểu của sơ đồ thửa đất thể hiện trên Giấy chứng nhận không nhỏ hơn 05 cm2.

Trường hợp thửa đất mà kích thước chiều dài lớn hơn nhiều lần kích thước chiều rộng mà khi thu nhỏ theo tỷ lệ đồng dạng làm cho chiều rộng của thửa đất đó bị thu hẹp đến mức không đủ chỗ để thể hiện thông tin thì thể hiện chiều dài thửa đất theo tỷ lệ khác với chiều rộng nhưng phải đảm bảo không làm thay đổi dạng hình học của thửa đất (xem hình 4).

– Chỉ giới quy hoạch sử dụng đất được thể hiện trên sơ đồ bằng đường nét chấm liên tục và mũi tên chỉ hướng phạm vi quy hoạch; chỉ giới hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng được thể hiện bằng đường nét 3 chấm xen kẽ nét đứt và mũi tên chỉ hướng phạm vi hành lang an toàn.

Mốc giới quy hoạch, mốc giới hành lang an toàn công trình được thể hiện bằng dấu chấm đậm. Ghi chú tên của đường chỉ giới quy hoạch, chỉ giới hành lang an toàn được thể hiện tại vị trí thích hợp trên sơ đồ (xem hình 1).

Hình 1: Sơ đồ thửa đất có hạn chế quyền sử dụng đất

Hình 2: Sơ đồ thửa đất có nhiều cạnh thửa

Hình 3: Sơ đồ thửa đất có cạnh là đường cong

Hình 4: Sơ đồ thửa đất có chiều dài thửa đất gấp nhiều lần chiều rộng phải thể hiện không đồng nhất tỷ lệ giữa chiều dài và chiều rộng

Kết luận: Việc biết cách xem sơ đồ thửa đất rất quan trọng vì sẽ biết được một số thông tin về thửa đất như chiều dài, chiều rộng thửa đất, hình dáng thửa đất và một số thông tin về chỉ giới, hành lang bảo vệ an toàn công trình (nếu có).

Người dân nếu có vướng mắc khi xem sơ đồ thửa đất hãy gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hướng dẫn.

>> Hướng dẫn xem thông tin Sổ đỏ, Sổ hồng

>> Hàng xóm không chịu ký giáp ranh có làm được Sổ đỏ?