Thủ tục chuyển hộ khẩu từ tỉnh này sang tỉnh khác Update 11/2024

Công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của pháp luật. Khi chuyển nơi cư trú và có đủ điều kiện đăng ký thường trú, công dân có quyền tiến hành làm thủ tục chuyển hộ khẩu từ nơi này đến nơi khác.

Từ ngày 01/7/2021, thủ tục, điều kiện nhập hộ khẩu được thực hiện theo Luật Cư trú 2020 với nhiều điểm mới. Quý khách hàng có thể cập nhật Luật này tại đây

Xin cấp Giấy chuyển hộ khẩu tại nơi thường trú cũ (cắt khẩu)

Theo quy định tại Điều 28 Luật Cư trú 2006, công dân khi chuyển nơi thường trú thì được cấp giấy chuyển hộ khẩu. Giấy chuyển hộ khẩu được cấp cho công dân trong các trường hợp sau đây:

– Chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh;

– Chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc Trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Hồ sơ xin cấp giấy chuyển hộ khẩu được quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 35/2014/TT-BCA, gồm:

– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

– Sổ hộ khẩu (hoặc Sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể đã được cấp trước đây).

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu được quy định như sau (điểm a khoản 1 Điều 8 Thông tư 35/2014/TT-BCA):

– Trưởng Công an xã, thị trấn có thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu cho các trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh và ngoài phạm vi tỉnh;

– Trưởng Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp giấy chuyển hộ khẩu cho các trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đáng lưu ý, theo khoản 6 Điều 28 Luật Cư trú, công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây không phải cấp giấy chuyển hộ khẩu:

– Chuyển đi trong phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh; chuyển đi trong cùng một huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; chuyển đi trong cùng một thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

– Học sinh, sinh viên, học viên học tại nhà tr­ường và cơ sở giáo dục khác;

– Đi làm nghĩa vụ quân sự, phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân;

– Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại hoặc nhà ở tập thể;

– Chấp hành hình phạt tù; chấp hành quyết định đ­ưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc, quản chế.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm cấp Giấy chuyển hộ khẩu cho công dân.

Thủ tục chuyển hộ khẩu từ tỉnh này sang tỉnh khác
Thủ tục chuyển hộ khẩu từ tỉnh này sang tỉnh khác (Ảnh minh họa)
 

Thủ tục nhập khẩu (đăng ký thường trú) tại tỉnh mới

Công dân chỉ được đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nếu đủ điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh đó.

Xem thêm: Điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh và các thành phố trực thuộc Trung ương

Về thủ tục nhập hộ khẩu sang tỉnh mới được thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ (Điều 6 Thông tư 35/2014/TT-BCA)

Hồ sơ bao gồm:

– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

– Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);

– Giấy chuyển hộ khẩu;

– Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp

Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên; trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

Đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương.

Trường hợp có quan hệ gia đình là ông, bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, cháu ruột chuyển đến ở với nhau; người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, người khuyết tật mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với người giám hộ thì không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về mối quan hệ nêu trên.

Riêng đối với trường hợp nhập hộ khẩu về thành phố trực thuộc Trung ương thì cần có thêm giấy tờ chứng minh thời hạn tạm trú/Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ vợ, chồng; quan hệ cha, mẹ, con… (Điều 7 Thông tư 35/2014/TT-BCA).

Bước 2: Nộp hồ sơ

Theo khoản 3 Điều 6 Thông tư 35/2014/TT-BCA, nơi nộp hồ sơ đăng ký thường trú như sau:

– Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;

– Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Bước 3: Nhận kết quả

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do (khoản 3 Điều 21 Luật Cư trú 2006).

Trên đây là thủ tục chuyển hộ khẩu từ tỉnh này sang tỉnh khác. Đối với người chuyển hộ khẩu về Hà Nội sẽ phải đáp ứng thêm một số điều kiện đặc biệt khác vì phải đáp ứng các quy định của Luật Thủ đô.