Hơn 2.000 túi nguyên liệu trà sữa không rõ nguồn gốc cùng hơn 100 hộp sữa đặc nhãn hiệu Zhejiang, đã được lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện và thu giữ. Đối tượng vi phạm sẽ chịu mức xử lý như thế nào?
Theo thông tin ban đầu, chiều 15/01, kiểm tra bất ngờ kho hàng của Công ty TNHH Heekcaa Việt Nam tại đường Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội, các cán bộ thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện một lượng lớn nguyên liệu trà sữa, bao gồm: Hơn 2000 túi trà có nhãn mác nước ngoài đang được cắt bao bì và đóng gói sang các bao bì khác, dán tem mác một số đơn vị chè uy tín của Việt Nam và hơn 100 hộp sữa đặc loại 5kg mang thương hiệu nước ngoài khác. Tất cả số nguyên liệu này đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Ngoài ra, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện một số lượng lớn bao bì chưa có nhãn mác, nhãn in, con dấu cùng nhiều máy móc phục vụ đóng gói.
Số nguyên liệu trà sữa không rõ nguồn gốc bị phát hiện (Ảnh: Cấn Linh)
Trà sữa là một trong những loại đồ uống phố biến và được tiêu thụ nhiều nhất hiện nay. Sử dụng nguyên liệu trà sữa không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm để pha chế khiến sức khỏe người dùng bị ảnh hưởng.
Xử phạt như thế nào?
Điều 5 Luật An toàn Thực phẩm năm 2010 có quy định: Nghiêm cấm sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm; Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm… Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, Luật này cũng nghiêm cấm sử dụng thực phẩm vi phạm quy định về nhãn hàng hóa; Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá hạn sử dụng…
Hành vi sử dụng nguyên liệu trà sữa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong trường hợp nêu trên là hành vi vi phạm Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hình ảnh minh họa
Về xử phạt hành chính: Khoản 5 Điều 5 Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không có giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định để sản xuất, chế biến thực phẩm. Ngoài bị phạt tiền, đối tượng vi phạm còn bị đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 02 – 03 tháng, đồng thời buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm e, khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP, hàng giả gồm hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa… Do đó, hành vi cắt các bao bì trà sữa nước ngoài rồi chuyển sang các bao bì khác, dán tem mác Việt Nam cũng được coi là hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa. Mức xử phạt hành chính với hành vi này được quy định tại Điều 14 Nghị định 185/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP).
Hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm nếu gây tổn hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung tại Luật 12/2017/QH14). Trong khi đó, hành vi sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 193 Bộ luật Hình sự vừa nêu.
Những quy định xử phạt trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Vụ việc đang được điều tra làm rõ.