* Sang tên Sổ đỏ đất trồng lúa là việc chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
3 trường hợp không được sang tên đất trồng lúa
Căn cứ khoản 1 Điều 188 và Điều 191 Luật Đất đai năm 2013, khi chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa thì bên chuyển nhượng (bên bán) phải có đủ điều kiện thực hiện quyền chuyển nhượng, tặng cho; bên nhận chuyển nhượng phải thuộc trường hợp được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
Theo đó, sẽ có 03 trường hợp không được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa, cụ thể:
Trường hợp 1: Bên chuyển nhượng, tặng cho không đủ điều kiện chuyển nhượng, tặng cho
Theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất được thực hiện quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
– Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai.
– Đất không có tranh chấp.
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
– Trong thời hạn sử dụng đất.
Như vậy, nếu bên chuyển nhượng (bên bán), tặng cho mà thiếu một trong những điều kiện trên thì không được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, trong đó bao gồm cả đất trồng lúa.
Trường hợp 2: Người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa là tổ chức kinh tế
Căn cứ khoản 2 Điều 191 Luật Đất đai năm 2013, tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp 3: Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp
Theo khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai năm 2013, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
3 trường hợp không được sang tên Sổ đỏ đất trồng lúa (Ảnh minh họa)
Khi nào hộ gia đình, cá nhân được sang tên đất trồng lúa?
Ngoài việc bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa có đủ điều kiện theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 thì hộ gia đình, cá nhân phải trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
* Xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp
Theo điểm d khoản 2 Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa thì căn cứ vào việc cá nhân không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội.
* Xác định hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp
Theo điểm d khoản 3 Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, xác định hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa thì căn cứ vào việc hộ gia đình có ít nhất một thành viên không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội.
Trên đây là những trường hợp không được sang tên Sổ đỏ đất trồng lúa. Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân muốn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa (mua đất trồng lúa) thì phải trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
>> Thủ tục sang tên Sổ đỏ: Toàn bộ những hướng dẫn mới nhất
Khắc Niệm