Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đang chiếm tỷ lệ ít, đây cũng là đối tượng cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong quá trình thành lập và hoạt động. Nghị định 80/2021/NĐ-CP đã giải quyết vấn đề này với một số chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.
Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ
Trước tiên, cần phải hiểu rõ doanh nghiệp vừa và nhỏ là những doanh nghiệp nào. Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP như sau:
Lĩnh vực hoạt động |
DN siêu nhỏ |
DN nhỏ |
DN vừa |
Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng |
– Sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người; – Tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng. |
– Sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người; – Tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng |
– Sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người; – Tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng; – Không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này. |
Lĩnh vực thương mại và dịch vụ |
– Sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người; – Tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
|
– Tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người; – Tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 50 tỷ đồng; – Không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này. |
– Sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người; – Tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng; – Không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này. |
Luật Doanh nghiệp và các văn bản liên quan không quy định rõ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ là gì. Để được coi là loại hình doanh nghiệp này, các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí sau:
– Thuộc một trong các loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa như bảng trên;
– Doanh nghiệp do phụ nữ là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị của các loại hình công ty tương ứng.
Ngoài ra, khoản 8 Điều 3 Nghị định 80/2021/NĐ-CP có định nghĩa thêm về doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ: Là doanh nghiệp có số lao động nữ chiếm từ 50% trở lên trên tổng số lao động trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng dưới 100 lao động; chiếm từ 30% trở lên trên tổng số lao động trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng từ 100 lao động trở lên.
Ưu tiên cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ (Ảnh minh hoạ)
3 ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ
Chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ là một trong những chính sách mới liên quan đến đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nội dung hỗ trợ bao gồm các chính sách sau:
1. Về hỗ trợ tư vấn
– Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc không quá 70 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp siêu nhỏ sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp xã hội;
– Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 100 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ hoặc không quá 150 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp xã hội;
– Hỗ trợ tối đa 30% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 150 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vừa hoặc không quá 200 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp vừa sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp vừa là doanh nghiệp xã hội.
2. Về hỗ trợ đào tạo trực tiếp về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp
Miễn học phí cho học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc địa bàn kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp xã hội khi tham gia khóa đào tạo quản trị doanh nghiệp.
3. Về Hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến
Hỗ trợ 100% tổng chi phí của một khoá đào tạo tại doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp xã hội nhưng không quá 01 khoá/năm/doanh nghiệp.
Nguồn lực hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ là nguồn ngân sách nhà nước của mỗi địa phương. Theo đó, tại điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định 80/2021/NĐ-CP, nguyên tắc hỗ trợ là ưu tiên hỗ trợ trước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ.
Nếu có thắc mắc liên quan đến vấn đề này, độc giả vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.