4 cách tra cứu mã số bảo hiểm xã hội đơn giản, ít ai biết Update 04/2024

Bất cứ ai tham gia bảo hiểm xã hội đều được cấp một mã số riêng. Mã số bảo hiểm xã hội để làm gì? Tra cứu mã số này như thế nào? Những thông tin này sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây của LuatVietnam.

Mã số bảo hiểm xã hội là gì?

Mã số bảo hiểm xã hội là số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan bảo hiểm xã hội cấp để ghi trên sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế (khoản 2.13 Điều 2 Quyết định 595/QĐ-BHXH).

Như vậy, mỗi người tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được cấp một mã số riêng biệt, mã số này gồm 10 chữ số, được ghi trên sổ bảo hiểm xã hội và thẻ bảo hiểm y tế.

Mã số bảo hiểm xã hội dùng để làm gì?

Mã số này dùng để tra cứu quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chế độ, chính sách khác của người lao động.

Với trẻ em, mã số này được cấp cho trẻ em ngay từ khi sinh ra khi làm thẻ bảo hiểm y tế, cho đến khi hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.

Với hầu hết người lao động, mã số này được cấp khi bắt đầu ký hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội… 

Cách tra cứu mã số bảo hiểm xã hội

Cách 1. Xem trên bìa sổ bảo hiểm xã hội

Như Quyết định 595 đã nêu ở trên, mã số bảo hiểm xã hội được thể hiện ngay trên sổ bảo hiểm xã hội. Do đó nếu đang sở hữu sổ bảo hiểm xã hội trong tay, người lao động có thể nhìn thấy mã số được in ngay trên bìa sổ của mình.

Trước đây, sổ bảo hiểm xã hội do người sử dụng lao động giữ. Tuy nhiên, từ khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực (từ ngày 01/01/2016) thì người lao động là người có trách nhiệm giữ và bảo quản sổ của mình (theo khoản 3 Điều 19). Tuy nhiên, nhiều hợp người lao động vẫn gửi người sử dụng lao động giữ và bảo quản thay.

Trong trường hợp, người lao động vẫn chưa được người sử dụng lao động giao sổ để giữ thì có thể tra cứu mã số bảo hiểm xã hội bằng các cách sau.

Cách 2. Xem trên thẻ bảo hiểm y tế

Nếu không có sổ bảo hiểm xã hội, người lao động cũng có thể xem mã số bảo hiểm xã hội được in trên thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). 

* Nếu đang dùng thẻ BHYT mẫu cũ: 

Mã số bảo hiểm xã hội chính là 10 số cuối của mã số thẻ BHYT. Mã số thẻ bảo hiểm y tế gồm 04 ô:

– Ô đầu tiên gồm 02 chữ cái, là mã đối tượng tham gia BHYT.

– Ô thứ 2 được ký hiệu bằng số (theo số thứ tự từ 1 – 5) là mức hưởng BHYT.

– Ô thứ 3 được ký hiệu bằng số (từ 01 đến 99) là mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi phát hành thẻ BHYT.

– Ô thứ 4 gồm 10 số tự nhiên, chính là mã số bảo hiểm xã hội của người tham gia.

>> Xem thêm: “Giải mã” 15 ký tự trong mã số của Thẻ bảo hiểm y tế

* Nếu sử dụng mấu thẻ BHYT mới từ ngày 014/2021:

Mã số bảo hiểm xã hội cũng chính là mã số BHYT trên thẻ.

Cách 3. Tra cứu trực tuyến

Bước 1: Truy cập: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/tra-cuu-ho-gia-dinh.aspx

Bước 2: Nhập thông tin cá nhân.

Bắt buộc phải nhập họ tên, tỉnh thành phố theo hộ khẩu thường trú và nhập thêm ít nhất một trong các trường:

+ Mã số BHXH.

+ Ngày sinh.

+ Số CMND.

Bước 3: Bấm tra cứu.

Hệ thống sẽ tự động trả kết quả là mã số bảo hiểm xã hội như sau:

Cách 4. Tra cứu trên ứng dụng VssID

Người lao động có thể tra cứu mã số bảo hiểm xã hội của mình thông qua tài khoản VssID của bạn bè hoặc người thân với các thao tác đơn giản.

Bước 1: Đăng nhập tài khoản VssID.

Bước 2: Chọn Tra cứu.

Bước 3: Chọn Tra cứu mã số BHXH.

Bước 4: Nhập thông tin.

Bước 5: Xem mã số bảo hiểm xã hội.

Sau khi đã biết được mã số bảo hiểm xã hội, người lao động có thể dễ dàng tra cứu quá trình tham gia bảo hiểm của mình.

Trên đây là cách tra cứu mã số BHXH đơn giản mà mọi người đều có thể thực hiện. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> Cách tra cứu bảo hiểm xã hội nhanh và chuẩn xác nhất