4 điểm khác nhau giữa Sổ đỏ và giấy tờ về quyền sử dụng đất Update 01/2025

Sổ đỏ và giấy tờ về quyền sử dụng đất là những giấy tờ quan trọng trong lĩnh vực đất đai. Hầu hết ai cũng biết Sổ đỏ nhưng giấy tờ về quyền sử dụng đất thì nhiều người có cách hiểu chưa đúng, dễ bị nhầm lẫn.

Giải thích cách gọi: Sổ đỏ trong bài viết này được sử dụng dùng để chỉ tất cả các loại Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (có bìa màu đỏ hoặc màu hồng).

TT

Tiêu chí

Giấy chứng nhận

Giấy tờ về quyền sử dụng đất

1

Định nghĩa

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Là một trong những loại giấy tờ quy định tại điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 16, 17 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP.

2

Tên loại

Mặc dù đều là chứng thư pháp lý để chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất nhưng với mỗi giai đoạn thì có tên gọi riêng.

* Trước ngày 10/12/2009

Được chia thành 02 loại:

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Dùng để chứng nhận quyền sử dụng đất ở nông thôn, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, làm muối.

– Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở: Dùng để chứng nhận đất ở đô thị, căn hộ chung cư.

* Từ ngày 10/12/2009 đến nay

Không cấp riêng theo hai loại Giấy chứng nhận như trước mà thống nhất cấp duy nhất một loại Giấy chứng nhận với tên gọi “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” theo mẫu do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

– Nếu người sử dụng đất chỉ đề nghị đăng ký quyền sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn cấp Giấy chứng nhận nhưng tại trang 2 chỉ ghi thông tin về thửa đất.

– Nếu chủ sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất muốn chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì cơ quan có thẩm quyền sẽ chứng nhận quyền sở hữu đối với những loại tài sản trên khi có đủ điều kiện.

– Trường hợp người sử dụng đất đăng ký quyền sử dụng đất trước, sau đó mới xây nhà thì có quyền đăng ký bổ sung quyền sở hữu nhà ở.

Lưu ý: Mặc dù hiện nay chỉ cấp Giấy chứng nhận theo mẫu mới nhưng Giấy chứng nhận được cấp trước ngày 10/12/2009 vẫn có giá trị pháp lý và không bắt buộc phải cấp đổi.

Căn cứ Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, giấy tờ về quyền sử dụng đất gồm:

– Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15/10/1993.

– Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất.

– Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15/10/1993 được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993.

– Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật.

– Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất:

+ Bằng khoán điền thổ.

+ Văn tự đoạn mãi bất động sản (gồm nhà ở và đất ở) có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ.

+ Văn tự mua bán nhà ở, tặng cho nhà ở, đổi nhà ở, thừa kế nhà ở mà gắn liền với đất ở có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ…

– Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15/10/1993 theo quy định của Chính phủ.

Xem chi tiết: Giấy tờ về quyền sử dụng đất để làm Sổ đỏ

3

Giá trị sử dụng

Là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Ngoài ra còn được sử dụng vào các mục đích sau:

– Thực hiện quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

– Căn cứ xác nhận ai là người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở.

– Là căn cứ để bồi thường khi thu hồi đất.

– Là căn cứ để thực hiện giải quyết tranh chấp đất đai.

– Được sử dụng làm căn cứ xác định loại đất.

– Là thành phần hồ sơ đăng ký biến động (hồ sơ sang tên khi tặng cho, chuyển nhượng,…).

– Căn cứ để cấp Giấy chứng nhận.

– Căn cứ để không phải nộp tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận.

– Căn cứ xác định loại đất.

– Căn cứ khi xác định diện tích đất ở đối với trường hợp có vườn, ao.

– Căn cứ để xác định thẩm quyền (nơi nộp đơn) khi giải quyết tranh chấp đất đai, cụ thể:

+ Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.

+ Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết theo quy định sau đây:

. Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp huyện, cấp tỉnh.

Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

4

Giá trị pháp lý

Cao hơn

Thấp hơn vì có giấy tờ về quyền sử dụng đất là một trong những căn cứ để cấp Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng).

Trên đây là những điểm khác nhau giữa Sổ đỏ và giấy tờ về quyền sử dụng đất. Hi vọng với bài viết trên sẽ giúp người dân biết được điểm khác nhau, giá trị pháp lý, giá trị sử dụng và tên từng loại giấy tờ cụ thể.

Nếu có vướng mắc về đất đai – nhà ở, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Mua bán nhà đất: Lưu ý gì về điều kiện, hồ sơ, thủ tục?