1. Đối tượng và cách tính tiền sử dụng đất
1.1. Đối tượng thu tiền sử dụng đất
Căn cứ khoản 2 Điều 2 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, người đang sử dụng đất được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở hoặc đất nghĩa trang, nghĩa địa trong các trường hợp sau phải nộp tiền sử dụng đất:
– Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp có nguồn gốc được giao không thu tiền sử dụng đất, nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển sang sử dụng làm đất ở.
– Đất nông nghiệp có nguồn gốc được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, chuyển sang sử dụng làm đất ở hoặc đất nghĩa trang, nghĩa địa có thu tiền sử dụng đất.
– Đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) có nguồn gốc được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất chuyển sang sử dụng làm đất ở có thu tiền sử dụng đất.
– Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) có nguồn gốc được Nhà nước cho thuê đất nay chuyển sang sử dụng làm đất ở hoặc đất nghĩa trang, nghĩa địa đồng thời với việc chuyển từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất.
1.2. Cách tính tiền sử dụng đất
Trường hợp 1: Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở
Điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định:
“Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở theo quy định tại Khoản 6 Điều 103 Luật Đất đai sang làm đất ở; chuyển từ đất có nguồn gốc là đất vườn, ao gắn liền nhà ở nhưng người sử dụng đất tách ra để chuyển quyền hoặc do đơn vị đo đạc khi đo vẽ bản đồ địa chính từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 đã tự đo đạc tách thành các thửa riêng sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Như vậy, 02 trường hợp sau đây sẽ nộp tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích:
– Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở sang làm đất ở.
– Đất có nguồn gốc là đất vườn, ao gắn liền nhà ở nhưng người sử dụng đất tách ra để chuyển quyền hoặc do đơn vị đo đạc khi đo vẽ bản đồ địa chính từ trước ngày 01/7/2004 đã tự đo đạc tách thành các thửa riêng sang đất ở.
Trường hợp 2: Chuyển từ đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất ở
Điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định:
“Chuyển từ đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Như vậy, tiền sử dụng đất trong trường hợp này được tính theo công thức sau:
Tiền sử dụng đất phải nộp = (Tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở – Tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp)
4 khoản tiền nộp khi chuyển mục đích sang đất ở (Ảnh minh họa)
Trường hợp 3: Chuyển từ đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở
* Không phải nộp tiền sử dụng đất
Trường hợp đang sử dụng đất phi nông nghiệp đã được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất có thời hạn sử dụng ổn định, lâu dài trước ngày 01/7/2004 mà không phải là đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê, khi chuyển mục đích sang đất ở thì không phải nộp tiền sử dụng đất.
* Phải nộp tiền sử dụng đất
Người dân đang sử dụng đất phi nông nghiệp dưới hình thức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trước ngày 01/7/2014, khi được chuyển mục đích sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất như sau:
Tiền sử dụng đất = Tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở – Tiền sử dụng đất tính theo giá đất phi nông nghiệp của thời hạn sử dụng đất còn lại tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích
– Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở dưới hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, khi được chuyển mục đích sang đất ở đồng thời với chuyển từ thuê đất sang giao đất thì nộp tiền sử dụng đất như sau:
Tiền sử dụng đất = Tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở – Tiền thuê đất phải nộp một lần tính theo giá đất phi nông nghiệp của thời hạn sử dụng đất còn lại tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích
Lưu ý: Chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc từ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp theo pháp luật đất đai của người sử dụng đất sang đất ở thì căn cứ vào nguồn gốc đất nhận chuyển nhượng để thu tiền sử dụng đất theo từng trường hợp trên.
Trường hợp 4: Chuyển từ đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (không phải là đất ở) có nguồn gốc nhận chuyển nhượng đất ở của hộ gia đình, cá nhân sang đất ở để thực hiện dự án đầu tư từ ngày 01/7/2014 trở về sau
Tiền sử dụng đất = Tiền sử dụng đất tính theo quy hoạch xây dựng chi tiết của dự án – Tiền sử dụng đất tính theo quy hoạch xây dựng chi tiết xây dựng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân tại thời điểm được chuyển
Hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (không phải là đất ở) có nguồn gốc là đất ở sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân thì không phải nộp tiền sử dụng đất.
Mặc dù có cách tính khá phức tạp như trên nhưng số tiền cụ thể sẽ do cơ quan thuế tính và thông báo cho người sử dụng đất. Nghĩa vụ của người dân là nộp tiền theo thông báo, nếu quá hạn sẽ bị tính tiền chậm nộp.
2. Lệ phí trước bạ
– Không phải trường hợp nào cũng phải nộp mà chỉ áp dụng đối với trường hợp đăng ký, cấp Giấy chứng nhận mà được miễn lệ phí trước bạ, sau đó được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sang đất ở.
Ví dụ: Đất được Nhà nước giao, cho thuê hoặc công nhận sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp (được miễn lệ phí trước bạ khi cấp Giấy chứng nhận) khi chuyển sang đất ở thì phải nộp lệ phí trước bạ.
– Cách tính lệ phí trước bạ:
Theo Điều 5 Nghị định 140/2016/NĐ-CP và khoản 2 Điều 1 Nghị định 20/2019/NĐ-CP, lệ phí trước bạ tính như sau:
Lệ phí trước bạ = (Giá đất tại bảng giá đất x Diện tích) x 0.5%
3. Phí thẩm định hồ sơ
Phí thẩm định hồ sơ do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định nên:
– Không phải tỉnh thành nào cũng thu loại phí này.
– Mức thu giữa các tỉnh thành là không giống nhau.
Xem chi tiết tại: Phí thẩm định hồ sơ cấp Sổ đỏ 63 tỉnh thành
4. Lệ phí cấp Giấy chứng nhận
– Phải nộp khi được cấp bìa mới.
– Mức nộp: Các tỉnh thành có mức thu khác nhau nhưng hầu hết đều dưới 100.000 đồng/giấy/lần cấp.
Xem chi tiết tại: Lệ phí cấp Giấy chứng nhận 63 tỉnh thành
Kết luận: Trong các khoản tiền nộp khi chuyển mục đích sang đất ở trên đây thì tiền sử dụng đất là khoản tiền lớn nhất và cách tính cũng phức tạp nhất nên hầu hết người dân không thể tính chính xác được. Vì lẽ đó nếu người dân muốn biết số tiền sử dụng đất là bao nhiêu thì liên hệ với địa chính, cơ quan thuế tại địa phương hoặc liên hệ tới LuatVietnam thông qua số 1900.6192.