5 rủi ro khi nhờ người khác đứng tên Sổ đỏ Update 01/2025

Vì một số lý do khác nhau mà nhờ người khác đứng tên Sổ đỏ hoặc đứng tên khi nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho mà không có ủy quyền. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết hết những rủi ro khi nhờ người khác đứng tên Sổ đỏ.

* Sổ đỏ, Sổ hồng là cách gọi phổ biến của người dân; tùy vào từng thời kỳ mà Sổ đỏ, Sổ hồng có tên gọi pháp lý khác nhau. Từ ngày 10/12/2009 đến nay, khi đủ điều kiện thì người sử dụng đất sẽ được cấp Giấy chứng nhận theo mẫu chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường với tên gọi pháp lý là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Giấy chứng nhận).

Cách ghi thông tin về người sử dụng đất trên Sổ đỏ

Khoản 1 Điều 166 Luật Đất đai 2013 quy định quyền chung của người sử dụng đất là được cấp Giấy chứng nhận.

Khi được cấp Giấy chứng nhận thì thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được ghi như sau:

* Cấp cho cá nhân trong nước

Điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định thông tin khi cấp Giấy chứng nhận cho cá nhân trong nước như sau:

“a) Cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi “Giấy khai sinh số…”;”

* Cấp cho hộ gia đình sử dụng đất

Theo điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, khi cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình thì thông tin tại trang 1 của Giấy chứng nhận được ghi như sau: Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ ông” (hoặc “Hộ bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.

Lưu ý:

– Nếu chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

– Trường hợp chủ hộ gia đình hay người đại diện khác của hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó;

* Tài sản chung của hai vợ chồng

Trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của hai vợ chồng thì ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân, địa chỉ thường trú của cả vợ và chồng.

Như vậy, khi được cấp Giấy chứng nhận nhưng vì một lý do nào đó mà nhờ người khác đứng tên trên Giấy chứng nhận thì khi đó người được nhờ đứng tên là người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Hay nói cách khác, người được nhờ đứng tên là “chủ đất”.

rủi ro khi nhờ người khác đứng tên Sổ đỏ5 rủi ro khi nhờ người khác đứng tên Sổ đỏ (Ảnh minh họa)
 

Rủi ro phổ biến khi nhờ người đứng tên Sổ đỏ

Khi nhờ người khác đứng tên trên Giấy chứng nhận thì dữ liệu địa chính thể hiện người được nhờ đứng tên là người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Theo đó, sẽ có nhiều rủi ro pháp lý như sau:

1. Nhờ người khác nhận chuyển nhượng mà không có ủy quyền, nhất là nhờ đứng tên khi sang tên thì rủi ro lớn nhất là người được nhờ nếu có ý định chiếm đoạt sẽ không chịu sang tên lại, trả lại tài sản, phủ nhận giao dịch nhờ đứng tên thì sẽ xảy ra tranh chấp.

2. Khi Nhà nước thu hồi nếu đủ điều kiện được bồi thường thì người được nhờ đứng tên trên Giấy chứng nhận là người được bồi thường (được ghi tên trong quyết định bồi thường).

3. Người được nhờ đứng tên có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất nếu đủ điều kiện.

4. Người đứng tên trên Giấy chứng nhận chết thì nhà đất khi đó sẽ là di sản thừa kế. Nếu người thừa kế không thừa nhận hoặc không biết nguồn gốc nhà đất là do được “nhờ” đứng tên thì khi đó dễ xảy ra tranh chấp.

5. Người được nhờ đứng tên nếu có nghĩa vụ tài sản với người thứ ba mà quyền sử dụng đất, nhà ở bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ thì quyền, lợi ích của người nhờ đứng tên sẽ không được đảm bảo, thậm chí bị “mất trắng” nếu không có chứng cứ để chứng minh.

Trên đây là một số rủi ro khi nhờ người khác đứng tên Sổ đỏ, việc nhờ người khác đứng tên có thể dẫn đến mất trắng hoặc xảy ra tranh chấp kéo dài. Khi có tranh chấp phát sinh thì các bên phải nắm chắc quy định về giải quyết tranh chấp đất đai hoặc ủy quyền để cho người khác tham gia giải quyết tranh chấp.

Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai hoặc các quy định khác về đất đai, nhà ở thì bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Thủ tục giải quyết tranh chấp đất mua bằng giấy viết tay