6 điểm mới của Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi Update 11/2024

Từ năm 2012 tới nay, khi một số Bộ luật, Luật mới được ban hành đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Vì thế, chiều 13/11/2020, Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi với nhiều điểm mới đáng chú ý.

1. Tăng mức phạt tiền tối đa của nhiều lĩnh vực

Cụ thể, các lĩnh vực này bao gồm:

– Giao thông đường bộ; Phòng, chống tệ nạn xã hội tăng từ 40 triệu lên 75 triệu đồng;

– Cơ yếu, Giáo dục; Quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia từ 50 triệu lên 75 triệu đồng;

– Điện lực: từ 50 triệu lên 100 triệu đồng;

– Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: từ 100 triệu lên 200 triệu đồng;

– Báo chí: từ 100 triệu lên 250 triệu đồng;

– Kinh doanh bất động sản từ 150 triệu lên 500 triệu đồng.
 

2. Bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực

Các lĩnh vực này gồm:

– Tín ngưỡng; Đối ngoại: 30 triệu đồng;

– Cứu nạn, cứu hộ: 50 triệu đồng;

– In; An toàn thông tin mạng: 100 triệu đồng;

– Sở hữu trí tuệ: 250 triệu đồng…

điểm mới của Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi
8 điểm mới của Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi (Ảnh minh họa)
 

3. Bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt

Chẳng hạn, bổ sung thẩm quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Thủy đoàn trưởng, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đội trưởng Đội đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ đội Biên phòng…

 

4. Tăng thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định mới như sau:

– Đối với vụ việc thông thường, thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;

– Đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản;

– Đối với vụ việc thuộc trường hợp phải giải trình hoặc xác định giá trị tang vật… mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản.
 

5. Thay đổi thời hiệu xử phạt một số lĩnh vực

Luật quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp gồm: Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.

Các vi phạm nêu trên có thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm.
 

6. Bổ sung trường hợp phải tạm giữ người theo thủ tục hành chính

Theo đó, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

– Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác;

– Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;

– Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

– Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;

– Để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.

Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm; trường hợp tạm giữ người vi phạm hành chính ở khu vực biên giới hoặc vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ được tính từ thời điểm người vi phạm được áp giải đến nơi tạm giữ.

Đối với trường hợp tạm giữ để xác định tình trạng nghiện ma túy thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 05 ngày, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.