Căn cứ Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC (một số khoản được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 151/2014/TT-BTC và Thông tư 26/2015/TT-BTC), những trường hợp không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) gồm:
1. Lỗi về hóa đơn
Theo khoản 15 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC, cơ sở kinh doanh không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với trường hợp sau:
– Hóa đơn GTGT sử dụng không đúng quy định của pháp luật như: Hóa đơn GTGT không ghi thuế GTGT (trừ trường hợp đặc thù được dùng hóa đơn GTGT ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT).
– Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán nên không xác định được người bán.
– Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua nên không xác định được người mua (trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 12 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC).
– Hóa đơn, chứng từ nộp thuế GTGT giả, hóa đơn bị tẩy xóa, hóa đơn khống (không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo).
– Hóa đơn ghi giá trị không đúng giá trị thực tế của hàng hóa, dịch vụ mua, bán hoặc trao đổi.
2. Hóa đơn từ 20 triệu đồng trở lên mà không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng
Hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn từ 20 triệu đồng trở lên theo giá đã có thuế GTGT nếu không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì không được khấu trừ. Đối với những hóa đơn này, cơ sở kinh doanh kê khai vào mục hàng hóa, dịch vụ không đủ điều kiện khấu trừ trong bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào.
Như vậy, hóa đơn từ 20 triệu đồng trở lên theo giá đã có thuế GTGT chỉ được khấu trừ khi có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
3. Thuế GTGT đầu vào của số lượng hàng hóa hao hụt vượt định mức
Trường hợp hàng hóa có hao hụt tự nhiên do tính chất lý hóa trong quá trình vận chuyển, bơm rót như xăng, dầu… thì được kê khai, khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của số lượng hàng hóa thực tế hao hụt tự nhiên không vượt quá định mức hao hụt theo quy định. Số thuế GTGT đầu vào của số lượng hàng hóa hao hụt vượt định mức không được khấu trừ, hoàn thuế.
Xem thêm: Thuế giá trị gia tăng: Đối tượng, cách tính và hoàn thuế
Các trường hợp không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (Ảnh minh họa)
4. Tiền thuê nhà cho chuyên gia nước ngoài
Trường hợp cơ sở kinh doanh có các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam công tác, giữ các chức vụ quản lý tại Việt Nam, hưởng lương tại Việt Nam theo hợp đồng lao động ký với cơ sở kinh doanh tại Việt Nam thì cơ sở kinh doanh không được khấu trừ thuế GTGT của khoản tiền thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài này.
5. Thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh mặt hàng chịu thuế và không chịu thuế GTGT
Căn cứ khoản 9 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC, thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (kể cả tài sản cố định) sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT (phải phân bổ số thuế GTGT được khấu trừ, phần thuế GTGT đầu vào dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng không chịu thuế thì không được khấu trừ).
6. Ô tô trên 1,6 tỷ đồng chỉ được khấu trừ 160 triệu đồng
Điều 9 Thông tư 151/2014/TT-BTC quy định:
“…. Tài sản cố định là ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ ô tô sử dụng vào kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn; ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô) có trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng (giá chưa có thuế GTGT) thì số thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng không được khấu trừ”
Như vậy, ô tô sử dụng vào kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn; ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô thì được khấu trừ toàn bộ.
Ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống có trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng (giá chưa có thuế GTGT) thì số thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng không được khấu trừ.
7. Thuế GTGT dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng không chịu thuế GTGT
Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT không được khấu trừ, trừ các trường hợp sau:
– Thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh mua vào để sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại hướng dẫn tại khoản 19 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC được khấu trừ toàn bộ.
– Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu khí đến ngày khai thác đầu tiên hoặc ngày sản xuất đầu tiên được khấu trừ toàn bộ.
8. Văn phòng tổng công ty, tập đoàn không trực tiếp hoạt động kinh doanh và các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc như: Bệnh viện, trạm xá, nhà nghỉ điều dưỡng, viện, trường đào tạo… không phải là người nộp thuế GTGT thì không được khấu trừ hay hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ cho hoạt động của các đơn vị này.
Trường hợp các đơn vị này có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì phải đăng ký, kê khai nộp thuế GTGT riêng cho các hoạt động này.
9. Các trường hợp cơ sở kinh doanh có hàng hóa xuất khẩu hoặc hàng hóa được coi như xuất khẩu nếu đã có xác nhận của cơ quan hải quan (đối với hàng hóa xuất khẩu) nhưng không có đủ các thủ tục, hồ sơ khác đối với từng trường hợp cụ thể thì không phải tính thuế GTGT đầu ra nhưng không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Riêng đối với trường hợp hàng hóa gia công chuyển tiếp và hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nếu không có đủ một trong các thủ tục, hồ sơ theo quy định thì phải tính và nộp thuế GTGT như hàng hóa tiêu thụ nội địa.
Đối với cơ sở kinh doanh có dịch vụ xuất khẩu nếu không đáp ứng điều kiện về thanh toán qua ngân hàng hoặc được coi như thanh toán qua ngân hàng thì không được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%, không phải tính thuế GTGT đầu ra nhưng không được khấu trừ thuế đầu vào.
Trên đây là trường hợp không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Để biết số thuế giá trị gia tăng phải nộp là bao nhiêu hãy xem tại cách tính thuế giá trị gia tăng 2020.