Bảo hiểm chi trả thế nào khi bị tai nạn giao thông? Update 11/2024

 

Khi bị tai nạn giao thông, chủ xe cơ giới tham gia bảo hiểm bắt buộc có thể được bồi thường thiệt hại từ doanh nghiệp bảo hiểm. Theo quy định, khi nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường thì doanh nghiệp bảo hiểm chi trả thế nào?
 

Mức chi trả bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới

Theo Điều 5 Nghị định 22/2016/TT-BTC, phạm vi bồi thường thiệt hại của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới gồm:

– Thiệt hại ngoài hợp đồng về thân thể, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra.

– Thiệt hại về thân thể và tính mạng của hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách do xe cơ giới gây ra.

Theo Điều 9 Nghị định 22/2016/TT-BTC, số tiền tối đa doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả như sau:

– Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/01 người/01 vụ tai nạn.

– Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 50 triệu đồng/01 vụ tai nạn.

– Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc được kéo bởi xe ô tô hoặc máy kéo) gây ra là 100 triệu đồng/01 vụ tai nạn.

Lưu ý: Doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau:

– Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe hoặc của người bị thiệt hại.

– Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới.

– Lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp. Trường hợp lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không thời hạn thì được coi là không có Giấy phép lái xe…

Bảo hiểm chi trả thế nào khi bị tai nạn giao thông? (Ảnh minh họa)

 

Thủ tục chi trả bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới

Bước 1: Hoàn thiện Hồ sơ bồi thường

Điều 14 Nghị định 22/2016/TT-BTC quy định: Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với chủ xe cơ giới, người bị thiệt hại, cơ quan công an và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác để thu thập các tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn giao thông để lập Hồ sơ bồi thường.

Theo khoản 6 Điều 17 Nghị định này, khi xảy ra tai nạn giao thông, chủ xe cơ giới có trách nhiệm cung cấp các tài liệu trong hồ sơ bồi thường hoặc tạo điều kiện, phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm để thu thập các tài liệu theo quy định.

Bước 2: Nộp hồ sơ và giải quyết yêu cầu bồi thường

Theo Điều 15 Nghị định 22/2016/TT-BTC thời hạn giải quyết yêu cầu bồi thường quy định như sau:

– Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng), chủ xe cơ giới phải gửi thông báo bằng văn bản theo mẫu quy định và hồ sơ yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới cho doanh nghiệp bảo hiểm.

– Thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ bồi thường thuộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới và không quá 30 ngày trong trường hợp phải tiến hành xác minh hồ sơ.

– Trường hợp từ chối bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo bằng văn bản cho chủ xe cơ giới biết lý do từ chối bồi thường trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm.

Khắc Niệm