Lương – thưởng luôn là vấn đề được người lao động quan tâm hàng đầu. Pháp luật quy định về tăng lương định kỳ như thế nào?
Bao lâu công ty phải tăng lương một lần? (Ảnh minh họa)
Tại Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2012, tiền lương được quy định là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Mức tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng nhưng không thấp hơn mức tiền lương tối thiểu vùng. (Xem thêm Trả lương thấp hơn lương tối thiểu, doanh nghiệp bị phạt nặng).
Trong khi đó, tại Nghị định 49/2013/NĐ-CP, Chính phủ quy định chi tiết về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương như sau:
“Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, doanh nghiệp xây dựng và quyết định thang lương, bảng lương đối với lao động quản lý, lao động chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và công nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh, phục vụ”…
“Lương khởi điểm của công việc hoặc chức danh trong thang lương, bảng lương do công ty xác định trên cơ sở mức độ phức tạp của công việc hoặc chức danh tương ứng với trình độ, kỹ năng, trách nhiệm, kinh nghiệm để thực hiện công việc hoặc chức danh”…
Như vậy, pháp luật hiện hành không quy định về việc tăng lương định kỳ cho người lao động. Do đó, có thể hiểu, doanh nghiệp được quyền tự quyết định về việc bao lâu tăng lương cho người lao động một lần.
Nếu người lao động muốn biết quy định tăng lương định kỳ trong doanh nghiệp mình đang làm thì cần xem thang lương, bảng lương, điều kiện tăng lương của doanh nghiệp. Sau đó, tự đề xuất với người quản lý để được xét tăng lương.
LuatVietnam