Bị xóa đăng ký thường trú, cuộc sống bị ảnh hưởng thế nào? Update 01/2025

Rất nhiều băn khoăn, lo lắng được gửi về LuatVietnam xoay quanh về các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú từ ngày 01/7/2021. Trong đó, không nhiều người thật sự hiểu về khái niệm “xóa đăng ký thường trú”

Xóa đăng ký thường trú: Trở thành “vô gia cư”?

Ở Luật Cư trú 2006 hay Luật Cư trú 2020 đều không giải thích rõ ràng về khái niệm “xóa đăng ký thường trú”. Tuy nhiên, có thể thuật ngữ này chỉ tình trạng người dân trước đây đã đăng ký thường trú tại một địa điểm nhất định, nay không còn tiếp tục được giữ đăng ký thường trú đó nữa.

Khoản 4 Điều 3 của Luật Cư trú 2020 chỉ rõ: “Tại một thời điểm, mỗi công dân chỉ có một nơi thường trú và có thể có thêm một nơi tạm trú”.

Như vậy, khi bị xóa đăng ký thường trú, có nghĩa là ở thời điểm đó, người dân không còn nơi đăng ký thường trú. Đây không phải là tình trạng vô gia cư (không có nhà ở hoặc một nơi trú ngụ thường xuyên).

Khi bị xóa đăng ký thường trú, người dân vẫn còn 02 cách để đăng ký việc cư trú của mình:

1 – Đăng ký tạm trú, có thể tại chính nơi mình bị xóa đăng ký thường trú hoặc nơi khác;

2 – Đăng ký thường trú lại, có thể tại chính nơi mình bị xóa đăng ký thường trú hoặc nơi khác. 

Ở một thời điểm, mỗi công dân chỉ có một nơi đăng ký thường trú (Ảnh minh họa)

Bị xóa đăng ký thường trú, cuộc sống bị ảnh hưởng thế nào?

Theo Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ ngày 01/7/2021, có đến 09 trường hợp người dân bị xóa đăng ký thường trú, trong đó có một số trường hợp mới:

– Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng […]

– Người đã đăng ký thường trú tại nhà của mình nhưng sau đó bán nhà mà sau 12 tháng kể từ ngày bán vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới; hoặc bán nhà nhưng không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó…

Như vậy có thể thấy, từ ngày 01/7/2021, có thêm nhiều trường hợp người dân dễ dàng bị xóa đăng ký thường trú hơn.

Việc bị xóa đăng ký thường trú ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều vấn đề trong cuộc sống, như:

– Làm thủ tục đăng ký nhập học cho con: Nhiều trường học ở nhiều địa phương hiện nay khi tuyển sinh đầu cấp vẫn yêu cầu “tấm vé” hộ khẩu;

– Khi làm thủ tục vay vốn ngân hàng cũng yêu cầu phải có đăng ký thường trú như một điều kiện để cho vay;

– Khi làm các thủ tục hành chính khác như làm căn cước công dân gắn chip: Hiện nay, chỉ một số rất ít địa phương tiến hành làm căn cước cho người tạm trú; còn lại hầu hết đều yêu cầu phải có hộ khẩu…

Nói thêm về những ảnh hưởng khi bị xóa đăng ký thường trú, Luật sư Nguyễn Đức Hùng (Công ty luật TNHH TGS – Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết:

“Khi người dân bị xóa đăng ký thường trú mà chưa thực hiện đăng ký tạm trú sẽ gặp một số bất cập khi thực hiện nhiều công việc, đặc biệt là các thủ tục hành chính. Một vài thủ tục thường gặp như thủ tục khai sinh cho con, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử, làm thủ tục cấp căn cước công dân… đều cần dùng đến hộ khẩu thường trú.

Do đó, để tránh gặp vướng mắc, khó khăn khi thực hiện một số thủ tục hành chính thì người dân cần có trách nhiệm khai báo tạm trú, tạm vắng, thực hiện đúng quy định của pháp luật liên quan đến nơi cư trú. Trường hợp đã bị xóa đăng ký thường trú, nếu đủ điều kiện người dân có thể đăng ký thường trú lại theo quy định”.

 
Trên đây là những thông tin xung quanh việc bị xóa đăng ký thường trú ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của người dân. Nếu còn băn khoăn về các quy định mới của Luật Cư trú 2020, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192.

>> Trường hợp bị thu hồi sổ hộ khẩu từ ngày 01/7/2021 

>> Từ 01/7/2021, bán nhà bị xóa hộ khẩu