Đầu tư mua bán bitcoin đang diễn ra phổ biến tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Bitcoin thu hút các nhà đầu tư vì khả năng kiếm lời của nó. Vậy bitcoin thực sự là gì? Quy định về bitcoin theo pháp luật Việt Nam cụ thể như thế nào?
Bitcoin là gì?
Theo ngôn ngữ thông thường, bitcoin là tiền ảo.
Tiền ảo là một loại tiền kỹ thuật số không có sự quản lý, được phát hành bởi những người phát triển phần mềm cũng thường là người kiểm soát hệ thống và được sử dụng, chấp nhận thanh toán giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nhất định. (Theo định nghĩa của Ngân hàng Trung ương Châu Âu).
Như vậy, có thể hiểu bitcoin là loại tiền chỉ được công nhận, giao dịch trong một cộng đồng, tổ chức. Những cộng đồng này tự tạo ra bitcoin để lưu hành nhằm mục đích dùng để trao đổi, mua bán hàng hoá, dịch vụ.
Bitcoin có phải là tiền theo quy định của pháp luật Việt Nam?
Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 về tài sản:
“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Theo Điều 16, 17 Luật Ngân hàng nhà nước 2010 quy định về đơn vị tiền, bitcoin không được xem là đơn vị tiền của nhà nước Việt Nam.
Điểm a khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng nhà nước quy định về ngoại tệ, bitcoin không được xem là ngoại tệ và cũng không phải là đối tượng của ngoại hối vì bitcoin không phải đồng tiền của bất cứ một quốc gia nào trên thế giới hiện nay.
Bitcoin không phải là đơn vị tiền của Việt Nam, cũng không phải là ngoại tệ. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện tại không có định nghĩa cụ thể về khái niệm “tiền” (tiền là gì?, tiền bao gồm những đối tượng nào) theo khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015.
Bitcoin vẫn tồn tại, nhưng không được phép sử dụng
1. Về giao dịch thanh toán bằng bitcoin
Theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc các đối tượng trên.
Cũng tại Chỉ thị 10/CT-TTg, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công an…kiểm soát, ngăn chặn và xử lý việc thực hiện các giao dịch (bao gồm phát hành, giao dịch, môi giới) liên quan đến tiền ảo trái pháp luật.
Như vậy, bitcoin không phải là phương tiện được phép thanh toán trên thị trường. Hay nói cách khác, bitcoin không được phép dùng để thay thế tiền mặt hoặc phương tiện thay thế tiền mặt như (séc, lệnh chi…) trong các giao dịch mua bán.
2. Về hoạt động đầu tư và kinh doanh bitcoin
Hiện nay, việc kinh doanh bitcoin không được quy định trong bất cứ văn bản nào trong hệ thống pháp luật Việt Nam, cụ thể:
– Tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, kinh doanh bitcoin không được liệt kê trong hệ thống ngành, nghề kinh tế Việt Nam.
– Tại Điều 6 của Luật Đầu tư 2020, bitcoin không được liệt kê là một trong những ngành, nghề kinh doanh bị cấm đầu tư.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam không chính thức cho phép kinh doanh bitcoin nhưng lại cũng không quy định rõ việc cấm kinh doanh bitcoin. Vì vậy, tình trạng kinh doanh và đầu tư đối tượng này vẫn được diễn ra.
Sử dụng bitcoin có thể bị xử lý hình sự
Căn cứ điểm d, khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về vi phạm quy định về hoạt động thanh toán, việc sử dụng bitcoin có thể bị xử phạt như sau:
“6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Đồng thời, tại Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
h) Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả;”
Căn cứ quy định trên, nếu phát hành, sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán thì được coi hành vi trái pháp luật, tùy từng mức độ có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu mua bán bitcoin bằng tiền thì sẽ không bị coi là hành vi vi phạm pháp luật theo các quy định hiện hành.
Như vậy, quy định về Bitcoin theo pháp luật Việt Nam vẫn còn chưa chi tiết. Hiện nay, Quốc hội đang trong quá trình xây dựng khung pháp lý về đối tượng này.