Cách đặt tên hộ kinh doanh? Có được uỷ quyền đứng tên chủ hộ kinh doanh? Update 01/2025

Cá nhân, tổ chức phải chọn tên hộ kinh doanh trước khi nộp hồ sơ đăng ký thành lập. Cách đặt tên hộ kinh doanh khá đơn giản nhưng trước tiên cần phải lưu ý những trường hợp đặt tên hộ kinh doanh không hợp lệ dưới đây.

Cách đặt tên hộ kinh doanh

Khoản 1 Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về đặt tên hộ kinh doanh như sau:

“1. Hộ kinh doanh có tên gọi riêng. Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:

a) Cụm từ “Hộ kinh doanh”;

b) Tên riêng của hộ kinh doanh.

Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.”

Theo đó, tên hộ kinh doanh bắt buộc phải có cụm từ Hộ kinh doanh. Tên riêng của hộ kinh doanh có thể được thể hiện bằng Tiếng Anh.

Lưu ý: Khi kê khai trong Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh, người kê khai phải ghi đầy đủ tên của hộ kinh doanh bao gồm 02 thành tố như trên.

Những trường hợp đặt tên hộ kinh doanh không hợp lệ

Theo khoản 2 Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, tên hộ kinh doanh có các dấu hiệu, từ ngữ sau đây được coi là không hợp lệ:

– Có sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh;

– Sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh;

– Đặt tên riêng hộ kinh doanh trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi cấp huyện.

Cách đặt tên hộ kinh doanh (Ảnh minh hoạ)
 

Có được uỷ quyền cho người khác đứng tên hộ kinh doanh?

Trên thực tế, nhiều cá nhân, hộ gia đình muốn thành lập hộ kinh doanh nhưng lại để người khác đứng tên là chủ. Có nhiều lý do khác nhau, một trong những lý do đó là cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh.

Hiện nay, pháp luật không quy định cụ thể chủ hộ kinh doanh có thể uỷ quyền lại cho người khác làm chủ hộ hay không? Như vậy, do không bị cấm nên chủ hộ kinh doanh hoàn toàn có thể uỷ quyền cho người khác đứng tên hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, việc uỷ quyền này không được điều chỉnh bởi pháp luật doanh nghiệp mà được điều chỉnh theo pháp luật dân sự. Hai bên có thể lập hợp đồng uỷ quyền và thoả thuận nhưng nội dung về uỷ quyền đứng tên làm chủ hộ kinh doanh.

Khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định như sau:

“Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”

Theo quy định trên, chủ hộ kinh doanh luôn phải là cá nhân. Trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập thì phải cử ra một người đại diện làm chủ hộ. Như vậy, nếu người được uỷ quyền là thành viên hộ gia đình thì không cần phải lập hợp đồng uỷ quyền.

Xem chi tiết: Hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 81 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định chủ hộ kinh doanh có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh.

Nếu trường hợp chủ hộ kinh doanh không thể thường xuyên quản lý và điều hành hoạt động của hộ kinh doanh thì có thể thuê một người khác đứng ra để quản lý thay. Chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh vẫn chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh.

Như vậy, chủ hộ kinh doanh hoàn toàn có thể uỷ quyền cho cá nhân khác đứng tên chủ hộ. Nếu người được uỷ quyền không phải trong hộ gia đình thì hai bên nên lập hợp đồng uỷ quyền.

Nếu có thắc mắc liên quan đến đặt tên hộ kinh doanh, độc giả vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Hộ kinh doanh có được đăng ký nhiều ngành, nghề?