Ai phải nộp phí thi hành án?
Điều 2 Thông tư 216/2016/TT-BTC quy định người nộp phí thi hành án như sau:
“Người được thi hành án khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh; phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại phải nộp phí thi hành án dân sự theo quy định tại Thông tư này”.
Như vậy, cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành phải nộp phí thi hành án.
Cách tính phí thi hành án dân sự (Ảnh minh họa)
Mức phí thi hành án dân sự
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Thông tư 216/2016/TT-BTC, người được thi hành án phải nộp phí thi hành án như sau:
TT |
Số tiền, giá trị tài sản thực nhận |
Phí thi hành án phải nộp |
1 |
Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định đến 05 tỷ đồng. |
3% số tiền, giá trị tài sản thực nhận. |
2 |
Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 05 tỷ đồng đến 07 tỷ đồng. |
150 triệu đồng + 2% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 05 tỷ đồng. |
3 |
Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 07 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng. |
190 triệu đồng + 1% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 07 tỷ đồng. |
4 |
Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 10 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng. |
220 triệu đồng + 0,5% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 10 tỷ đồng. |
5 |
Số tiền, giá trị tài sản thực nhận trên 15 tỷ đồng. |
245 triệu đồng + 0,01% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 15 tỷ đồng. |
Lưu ý:
– Đối với vụ việc chia tải sản chung, chia thừa kế; chia tài sản trong ly hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản thi hành án (chỉ cần một trong các bên có yêu cầu thi hành án), thì người được cơ quan thi hành án dân sự giao tiền, tài sản thi hành án phải nộp phí thi hành án tương ứng với giá trị tiền, tài sản thực nhận.
Ví dụ: Tòa án xử ly hôn giữa ông A và bà B, trong phần chia tài sản ly hôn, bà B được nhận nhà trị giá là 500 triệu đồng và phải thanh toán cho ông A 200 triệu đồng. Trong trường hợp này, số phí thi hành án mà các bên phải nộp được tính trên giá trị tài sản thực nhận của từng người, cụ thể như sau:
+ Số phí thi hành án ông A phải nộp là: 3% x 200 triệu đồng = 06 triệu đồng;
+ Số phí thi hành án bà B phải nộp là: 3% x (500 triệu đồng – 200 triệu đồng) = 09 triệu đồng.
– Trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định nhưng chỉ có một hoặc một số người có yêu cầu thi hành án mà Chấp hành viên đã tổ chức giao tài sản, khoản tiền đó cho người đã yêu cầu hoặc người đại diện của người đã có yêu cầu để quản lý thì người yêu cầu hoặc người đại diện đó phải nộp phí thi hành án tính trên toàn bộ giá trị tiền, tài sản thực nhận theo mức tại bảng trên.
– Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án nhưng chưa ra quyết định cưỡng chế thi hành án hoặc đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng chưa thực hiện việc cưỡng chế thi hành án mà đương sự tự giao, nhận tiền, tài sản cho nhau thì người được thi hành án phải nộp 1/3 mức phí thi hành án trên số tiền, tài sản thực nhận, trừ trường hợp không phải chịu phí thi hành án theo quy định tại khoản 8 Điều 6 Thông tư 216/2016/TT-BTC.
– Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã thu được tiền hoặc đã thực hiện việc cưỡng chế thi hành án thì người được thi hành án phải nộp 100% mức phí thi hành án tính trên số tiền, tài sản thực nhận.
Trên đây là đối tượng và cách tính phí thi hành án dân sự. Mức phí phải nộp phụ thuộc vào số tiền, giá trị tài sản mà người được thi hành án nhận được.
>> 7 lưu ý quan trọng về án phí, lệ phí Tòa án theo Nghị quyết 326
Khắc Niệm