Cách tính thuế thu nhập cá nhân 2021 mới nhất từ tiền lương, tiền công Update 01/2025

Cách tính thuế thu nhập cá nhân 2021 dưới đây sẽ giúp người lao động biết được khi nào phải nộp thuế, số thuế chính xác phải nộp. Đặc biệt hơn nữa đó là người lao động có thể biết được số thuế phải nộp chỉ trong vài giây nếu sử dụng công cụ tính thuế online của LuatVietnam.

Hot: Đã có hệ thống Tính thuế thu nhập cá nhân chỉ trong vòng vài giây

1. Căn cứ, mức tiền lương phải nộp thuế

1.1. Căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân

Theo Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC, căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập tính thuế và thuế suất, cụ thể:

Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ (-) các khoản giảm trừ sau:

– Các khoản giảm trừ gia cảnh.

– Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện.

– Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

1.2. Mức tiền lương phải nộp thuế

Người nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú. Tuy nhiên, không phải tất cả cá nhân đều phải nộp thuế, mà chỉ người có thu nhập tính thuế mới phải nộp thuế.

Hay nói cách khác, chỉ khi có thu nhập tính thuế > 0 thì mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Từ ngày 01/7/2020, khi Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 có hiệu lực thì mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020 như sau:

Khoản giảm trừ

Mức giảm trừ cũ

Mức giảm trừ mới

Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế

09 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm)

11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm)

Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc

3.6 triệu đồng/tháng

4.4 triệu đồng/tháng

Để biết ai phải nộp thuế thu nhập cá nhân, LuatVietnam đã tính một số mức thu nhập phải nộp thuế sau khi đã trừ các khoản được miễn thuế (nếu có), các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện và các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học, cụ thể:

Mức thu nhập

Đối tượng

Thu nhập phải nộp thuế

Theo mức giảm trừ cũ

Theo mức giảm trừ mới

Mức 1

Không có người phụ thuộc

Trên 09 triệu đồng/tháng

Trên 11 triệu đồng/tháng

Mức 2

Có 01 người phụ thuộc

Trên 12.6 triệu đồng/tháng

Trên 15.4 triệu đồng/tháng

Mức 3

Có 02 người phụ thuộc

Trên 16.2 triệu đồng/tháng

Trên 19.8 triệu đồng/tháng

Mức 4

Có 03 người phụ thuộc

Trên 19.8 triệu đồng/tháng

Trên 24.2 triệu đồng/tháng

Có thêm 01 người phụ thuộc thì chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi thu nhập tăng thêm 4.4 triệu đồng/tháng

Xem thêmTra cứu mã số thuế cá nhân nhanh nhất

cách tính thuế thu nhập cá nhân

Hướng dẫn cách tính thuế thu nhập cá nhân (Ảnh minh họa)
 

2. Công thức và các bước tính thuế thu nhập cá nhân

2.1. Công thức tính thuế thu nhập cá nhân

Cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được tính theo công thức sau:

(1) Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất

Trong đó:

(2) Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ

Thu nhập chịu thuế được tính như sau:

(3) Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Các khoản được miễn

2.2. Các bước tính thuế thu nhập cá nhân

Căn cứ vào công thức tính thuế trên, để tính được số thuế phải nộp hãy thực hiện theo các bước sau:

Bước 1. Xác định tổng thu nhập chịu thuế

Bước 2. Tính các khoản được miễn

Bước 3. Tính thu nhập chịu thuế theo công thức (3)

Bước 4. Tính các khoản được giảm trừ

Bước 5. Tính thu nhập tính thuế theo công thức (2)

Bước 6. Tính số thuế phải nộp theo công thức (1).

Sau khi tính được thu nhập tính thuế, để xác định được số thuế phải nộp (bước 6) đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công thì người nộp thuế áp dụng phương pháp tính thuế sau theo đúng đối tượng.

3. Phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân

Hiện nay có 03 cách tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công áp dụng cho 03 đối tượng khác nhau, cụ thể:

– Tính theo biểu lũy tiến từng phần: Áp dụng đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 03 tháng trở lên (đây là cách mà bài viết đang hướng dẫn).

Lưu ý: Cá nhân cư trú theo quy định của pháp luật thuế chứ không phải “cư trú” theo pháp luật cư trú.

– Khấu trừ 10%: Áp dụng đối với cá nhân ký hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động.

Xem chi tiết tạiHướng dẫn khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân.

– Khấu trừ 20%: Áp dụng đối với cá nhân không cư trú, thường là người nước ngoài.

Xem chi tiết tạiHướng dẫn khấu trừ 20% thuế thu nhập cá nhân.

Dưới đây hướng dẫn chi tiết cách tính thuế theo theo biểu lũy tiến từng phần (tính theo từng bậc thuế rồi cộng lại, mỗi bậc thuế sẽ có mức thuế suất khác nhau – tương tự như tính giá điện sinh hoạt), cụ thể:

* Thuế suất biểu lũy tiến từng phần

Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng)

Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng)

Thuế suất (%)

1

Đến 60

Đến 05

5

2

Trên 60 đến 120

Trên 05 đến 10

10

3

Trên 120 đến 216

Trên 10 đến 18

15

4

Trên 216 đến 384

Trên 18 đến 32

20

5

Trên 384 đến 624

Trên 32 đến 52

25

6

Trên 624 đến 960

Trên 52 đến 80

30

7

Trên 960

Trên 80

35

Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là tổng số thuế tính theo từng bậc thu nhập. Số thuế tính theo từng bậc thu nhập bằng thu nhập tính thuế của bậc thu nhập nhân (×) với thuế suất tương ứng của bậc thu nhập đó.

* Phương pháp tính thuế rút gọn

Để thuận tiện cho việc tính toán, có thể áp dụng phương pháp tính rút gọn theo phụ lục số 01/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:

Bậc

Thu nhập tính thuế/tháng

Thuế suất

Tính số thuế phải nộp

Cách 1

Cách 2

1

Đến 05 triệu đồng (trđ)

5%

0 trđ + 5% TNTT (thu nhập tính thuế)

5% TNTT

2

Trên 05 trđ đến 10 trđ

10%

0,25 trđ + 10% TNTT trên 5 trđ

10% TNTT – 0,25 trđ

3

Trên 10 trđ đến 18 trđ

15%

0,75 trđ + 15% TNTT trên 10 trđ

15% TNTT – 0,75 trđ

4

Trên 18 trđ đến 32 trđ

20%

1,95 trđ + 20% TNTT trên 18 trđ

20% TNTT – 1,65 trđ

5

Trên 32 trđ đến 52 trđ

25%

4,75 trđ + 25% TNTT trên 32 trđ

25% TNTT – 3,25 trđ

6

Trên 52 trđ đến 80 trđ

30%

9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ

30 % TNTT – 5,85 trđ

7

Trên 80 trđ

35%

18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 trđ

35% TNTT – 9,85 trđ

Ví dụ

Ông A nhận lương tháng 10/2020 là 40 triệu đồng (khi nhận lương từ công ty ông A đã được công ty trích đóng tiền bảo hiểm bắt buộc – nên không phải trừ khi tính thu nhập tính thuế nữa). Ông A có 02 người phụ thuộc, trong tháng ông A không đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học. Thuế thu nhập cá nhân tạm nộp trong tháng của ông A được tính như sau:

– Thu nhập chịu thuế của ông A là 40 triệu đồng.

– Ông A được giảm trừ các khoản sau:

+ Giảm trừ gia cảnh cho bản thân: 11 triệu đồng

+ Giảm trừ gia cảnh cho 02 người phụ thuộc (2 con): 4.4 triệu đồng × 2 = 8.8 triệu đồng

Tổng cộng các khoản được giảm trừ là: 11 triệu đồng + 8.8 triệu đồng = 19.8 triệu đồng.

– Thu nhập tính thuế của ông A là: 40 triệu đồng – 19.8 triệu đồng = 20.2 triệu đồng

– Số thuế phải nộp:

Cách 1: Số thuế phải nộp tính theo từng bậc của biểu lũy tiến từng phần

+ Bậc 1: Thu nhập tính thuế đến 05 triệu đồng, thuế suất 5%:

05 triệu đồng × 5% = 0.25 triệu đồng

+ Bậc 2: Thu nhập tính thuế trên 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng, thuế suất 10%:

(10 triệu đồng – 05 triệu đồng) × 10% = 0.5 triệu đồng

+ Bậc 3: Thu nhập tính thuế trên 10 triệu đồng đến 18 triệu đồng, thuế suất 15%:

(18 triệu đồng – 10 triệu đồng) × 15% = 1.2 triệu đồng

+ Bậc 4: Thu nhập tính thuế trên 18 triệu đồng đến 32 triệu đồng, thuế suất 20%:

(20.2 triệu đồng – 18 triệu đồng) × 20% = 0.44 triệu đồng

– Tổng số thuế ông A phải tạm nộp trong tháng là:

0.25 + 0.5 + 1.2 + 0.44 = 2.39 triệu đồng

Cách 2: Số thuế phải nộp tính theo phương pháp rút gọn

Căn cứ phụ lục số 01/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập tính thuế trong tháng 20.2 triệu đồng là thu nhập tính thuế thuộc bậc 4. Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp như sau:

20.2 triệu đồng × 20% – 1.65 triệu đồng = 2.39 triệu đồng.

4. Tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công

Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập từ tiền lương, tiền công là khoản thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

– Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

– Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ 11 khoản phụ cấp, trợ cấp.

– Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như:

+ Tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới.

+ Tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.

+ Tiền tham gia các dự án, đề án.

+ Tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút.

+ Tiền tham gia các hoạt động giảng dạy.

+ Tiền tham gia biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao.

+ Tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác.

– Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị doanh nghiệp, ban kiểm soát doanh nghiệp, ban quản lý dự án, hội đồng quản lý, các hiệp hội, hội nghề nghiệp và các tổ chức khác.

– Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức.

– Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán, trừ các khoản tiền thưởng sau:

+ Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

+ Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận.

+ Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.

+ Tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

cách tính thuế thu nhập cá nhânCách tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công (Ảnh minh họa)
 

5. Thu nhập được miễn thuế từ tiền lương, tiền công

Theo điểm i khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập từ tiền lương, tiền công được miễn thuế là khoản thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động, cụ thể như sau:

– Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.

Ví dụ: Ông A có mức lương trả theo ngày làm việc bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động là 40.000 đồng/giờ.

– Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày thường, cá nhân được trả 60.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:

60.000 đồng/giờ – 40.000 đồng/giờ = 20.000 đồng/giờ

– Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày nghỉ hoặc ngày lễ, cá nhân được trả 80.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:

80.000 đồng/giờ – 40.000 đồng/giờ = 40.000 đồng/giờ

– Tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải lập bảng kê phản ánh rõ thời gian làm đêm, làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm đêm, làm thêm giờ đã trả cho người lao động. Bảng kê này được lưu tại đơn vị trả thu nhập và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thuế.

Ngoài các khoản được miễn thuế từ tiền lương, tiền công trên, người lao động nếu có các khoản thu nhập sau thì sẽ không bị tính thuế như: Tiền ăn trưa, ăn giữa ca, tiền điện thoại…

Xem chi tiết tạiCác khoản thu nhập không tính thuế thu nhập cá nhân

6. Các khoản được giảm trừ khi tính thuế

6.1. Các khoản và mức giảm trừ

Theo Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC và Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14, mức giảm trừ vào thu nhập chịu thuế của cá nhân trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công như sau:

TT

Loại giảm trừ

Mức giảm trừ

1

Mức giảm trừ gia cảnh

* Từ 01/01/2020 đến 30/6/2020

Đối với người nộp thuế

– 09 triệu đồng/tháng, 108 triệu đồng/năm.

Đối với mỗi người phụ thuộc

– 3.6 triệu đồng/tháng.

* Từ ngày 01/7/2020

Đối với người nộp thuế

– 11 triệu đồng/tháng, 132 triệu đồng/năm.

Đối với mỗi người phụ thuộc

– 4.4 triệu đồng/tháng.

Lưu ý: Khi quyết toán thuế cho kỳ tính thuế năm 2020 thì áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới.

 

Giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện

2

– Các khoản đóng bảo hiểm bao gồm: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc.

Theo tỷ lệ trích các khoản bảo hiểm vào lương của người lao động:

– BHXH: 8%;

– BHYT: 1.5%;

– BHTN: 1%.

– Các khoản đóng vào Quỹ hưu trí tự nguyện

Mức đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế theo thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá 01 triệu đồng/tháng (12 triệu đồng/năm).

3

Giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học

Khoản chi đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa.

– Mức giảm trừ tối đa không vượt quá thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ kinh doanh của năm tính thuế phát sinh đóng góp từ thiện nhân đạo, khuyến học.

– Phải có tài liệu chứng minh.

Khoản chi đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học được thành lập và hoạt động theo nghị định của Chính phủ.

 

6.2. Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc

6.2.1. Điều kiện được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc

– Người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.

– Phải có hồ sơ chứng minh và đăng ký người phụ thuộc.

6.2.2. Ai là người phụ thuộc?

Theo điểm d khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, người phụ thuộc bao gồm những đối tượng sau:

– Con: Con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ, con riêng của chồng, cụ thể gồm:

+ Con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng).

+ Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động.

+ Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 01 triệu đồng.

– Vợ hoặc chồng; cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế đáp ứng điều kiện dưới đây:

Trường hợp 1: Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

+ Bị khuyết tật, không có khả năng lao động: Là những người thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về người khuyết tật, người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,…).

+ Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 01 triệu đồng.

Trường hợp 2: Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 01 triệu đồng.

– Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng gồm:

+ Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế.

+ Ông nội, ông nội; ông ngoại, ông ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế.

+ Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm con của anh ruột, chị ruột, em ruột.

+ Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi phải đáp ứng được các điều kiện sau đây thì mới được giảm trừ, cụ thể:

Trường hợp 1: Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

+ Bị khuyết tật, không có khả năng lao động (là những người thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về người khuyết tật, người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,…).

+ Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 01 triệu đồng.

Trường hợp 2: Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 01 triệu đồng.

7. Cách tính thuế thu nhập cá nhân với chỉ vài giây

Cách tính thuế thu nhập cá nhân nếu theo đúng trình tự như trên thì mất khá nhiều thời gian. Để giúp người lao động biết mình có phải nộp thuế hay không hoặc số tiền phải nộp bao nhiêu, LuatVietnam đã ra mắt công cụ tính thuế online.

Bước 1: Truy cập tại https://luatvietnam.vn/tinh-thue-thu-nhap-ca-nhan.html

Bước 2: Điền tổng thu nhập theo tháng

Lưu ý: Thu nhập đã trừ 10,5% bảo hiểm bắt buộc.

Bước 3: Nhập số người phụ thuộc (nếu có)

Bước 4: Nhận kết quả

Lưu ý: Nếu không hiển thị số tiền thì người lao động không phải nộp thuế.

8. Cách tính thuế thu nhập cá nhân cho người làm 2 nơi

Đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công khi làm việc tại nhiều nơi thì số thuế thu nhập cá nhân có thể được tính theo các cách khác nhau tùy thuộc vào thời gian ký hợp đồng lao động.

Xem chi tiết: Cách tính thuế thu nhập cá nhân cho người làm 2 nơi

9. Thời điểm quyết toán thuế thu nhập cá nhân

Hàng tháng khi phát sinh thuế thu nhập cá nhân thì người nộp thuế sẽ bị tạm khấu trừ theo tháng. Khi kết thúc kỳ tính thuế (kết thúc năm dương lịch) thì người nộp thuế tự quyết toán hoặc ủy quyền cho nơi trả thu nhập quyết toán thay.

Điểm a khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 quy định rõ thời hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân như sau:

“a) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm”

Như vậy, thời hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020 chậm nhất là ngày 31/3/2021.

10. Hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân 2020

Người lao động có thể tự mình quyết toán hoặc ủy quyền quyết toán thuế. Để biết rõ hồ sơ, thủ tục quyết toán thuế bạn đọc xem chi tiết tại: Hướng dẫn quy trình quyết toán thuế thu nhập cá nhân 2020.

Kết luận: Trên đây là toàn bộ quy định về cách tính thuế thu nhập cá nhân 2020. Theo đó, chỉ khi có thu nhập từ 11 triệu đồng/tháng trở lên (132 triệu đồng/năm) mới phải nộp thuế nếu không có người phụ thuộc. Khi kết thúc kỳ tính thuế, rất ít khi người lao động tự quyết toán thuế mà sẽ ủy quyền cho nơi trả thu nhập quyết toán thay.

Khi tính thuế thu nhập cá nhân nếu có vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Hướng dẫn chi tiết cách tra cứu mã số thuế cá nhân