Cập nhật trình tự, thủ tục xét tuyển công chức mới nhất Update 11/2024

Với việc sửa đổi Luật Cán bộ công chức năm 2019, ngoài hình thức thi tuyển, công chức còn được tuyển dụng thông qua xét tuyển. Vậy trình tự, thủ tục xét tuyển công chức được quy định thế nào?

Khi nào được dự xét tuyển công chức?

Theo khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2019:

Việc tuyển dụng công chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển

Cũng tại quy định này, các trường hợp thực hiện tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức áp dụng với nhóm đối tượng sau đây:

– Cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Đây là quy định cũ, đã được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 37 Luật Cán bộ, công chức năm 2008.

– Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật giáo dục năm 2019, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học. Trong đó, những người được theo học chế độ cử tuyển được quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật Giáo dục 2019 gồm:

  • Người dân tộc thiểu số rất ít người;
  • Người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.
  • Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng. Đây là trường hợp được bổ sung so với quy định trước đây tại Luật năm 2008.

Nói tóm lại, để được xét tuyển công chức, người có nhu cầu phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Đáp ứng điều kiện đăng ký dự tuyển công chức nêu tại Điều 36 Luật Cán bộ, công chức 2008: Đủ 18 tuổi trở lên; có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; có lý lịch rõ ràng; có đơn dự tuyển; có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ…

– Thuộc một trong ba trường hợp nêu trên.

Xem thêm…

thu tuc xet tuyen cong chuc

Thủ tục xét tuyển công chức mới nhất (Ảnh minh họa)

Xét tuyển công chức được thực hiện như thế nào?

Việc xét tuyển công chức được thực hiện theo trình tự sau đây:

Bước 1: Thông báo tuyển dụng và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển công chức

Ở bước này, cơ quan tuyển dụng phải thông báo ít nhất 01 lần công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử và niêm yết công khai tại trụ sở của cơ quan.

Sau khi biết được thông tin, trong thời gian 30 ngày, người đăng ký dự tuyển nộp Phiếu đăng ký trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu đến đến cơ quan có thẩm quyền tại địa điểm tiếp nhận.

Lưu ý: Trước ngày tổ chức xét tuyển ít nhất 05 ngày, danh sách người có đủ điều kiện phải được lập xong và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan.

Xem thêm…

Bước 2: Tổ chức xét tuyển

Về thủ tục xét tuyển công chức, cũng giống thi tuyển, xét tuyển công chức cũng tiến hành theo 02 vòng nêu tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP:

Vòng 01: Kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự xét

Căn cứ theo yêu cầu của vị trí việc làm đã đăng ký tại Phiếu đăng ký dự tuyển, nếu phù hợp điều kiện, tiêu chuẩn, người dự tuyển sẽ được tham dự vòng 02.

Việc thông báo triệu tập thí sinh dự phỏng vấn vòng 02 được tiến hành chậm nhất là 05 ngày làm việc sau khi kết thúc việc kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn.

Ngay sau khi thông báo triệu tập thí sinh tham gia vòng 02 thì trong vòng chậm nhất 15 ngày phải tiến hành tổ chức phỏng vấn vòng 02.

Vòng 02: Phỏng vấn

Việc phỏng vấn nhằm mục đích kiểm tra năng lực, trình độ chuyên môn của người dự tuyển, tiến hành trong vòng 30 phút với thang điểm 100.

Đặc biệt, tại vòng phỏng vấn sẽ không thực hiện việc phúc khảo với kết quả phỏng vấn.

Bước 3: Thông báo kết quả xét tuyển

Trong vòng 10 ngày sau khi nhận báo cáo kết quả vòng 02, cơ quan tuyển dụng niêm yết công khai kết quả xét tuyển, danh sách dự kiến trúng tuyển tại trụ sở và trang thông tin điện tử. Đồng thời, gửi thông báo kết quả bằng văn bản cho người dự tuyển.

Sau khi thông báo kết quả và phúc khảo (với cuộc thi viết), cơ quan quản lý công chức phê duyệt kết quả tuyển dụng và gửi thông báo trúng tuyển bằng văn bản cho người dự tuyển.

Trong thời gian này, nếu có hành vi gian lận khi kê khai Phiếu đăng ký dự tuyển, người dự tuyển không hoàn thiện đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phát hiện người trúng tuyển sử dụng văn bằng, chứng chỉ không đúng quy định thì hủy kết quả trúng tuyển và lựa chọn người có kết quả thấp hơn liền kề.

Xem thêm: Xác định người trúng tuyển công chức thế nào?

Bước 4: Ra quyết định tuyển dụng và nhận việc

Căn cứ thông báo công nhận kết quả trúng tuyển, người đứng đầu cơ quan tuyển dụng công chức ra quyết định tuyển dụng. Chậm nhất 30 ngày kể từ ngày có quyết định, người trúng tuyển phải đến nhận việc. Nếu có lý do chính đáng có thể gia hạn thời gian này không quá 30 ngày nữa.

Lưu ý: Nếu quá thời hạn mà không đến nhận việc thì quyết định tuyển dụng sẽ bị hủy.

Trên đây là thủ tục xét tuyển công chức mới nhất. Nếu còn thắc mắc khác, độc giả có thể liên hệ 1900 6192 để được giải đáp, tư vấn nhanh nhất.

>> Thi tuyển công chức: 7 điểm cần nắm chắc