Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng con thì luôn còn bé nhỏ nên khi có tài sản như tiền riêng thì mặc định do cha, mẹ giữ hộ. Vậy suy nghĩ này có đúng không?
Tài sản riêng của con gồm những gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình, tài sản riêng của con bao gồm:
– Tài sản được thừa kế riêng; được tặng cho riêng;
– Thu nhập do lao động của con;
– Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con. Trong đó, theo Điều 109 Bộ luật Dân sự, hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại; lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản.
– Thu nhập hợp pháp khác.
Đặc biệt, nếu tài sản đó được hình thành từ tài sản riêng của con thì cũng là tài sản riêng của con.
Như vậy, căn cứ quy định trên, con hoàn toàn có quyền có tài sản riêng và tài sản riêng của con gồm 06 loại tài sản nêu trên.
Không phải mọi trường hợp cha mẹ được giữ tiền của con? (Ảnh minh họa)
Cha, mẹ có được giữ tiền của con?
Cha mẹ đẻ
Việc quản lý tài sản riêng của con được quy định chi tiết tại Điều 76 Luật Hôn nhân và Gia đình. Cụ thể, căn cứ vào độ tuổi của con, việc quản lý tài sản riêng của con được quy định như sau:
– Con từ đủ 15 tuổi trở lên: Có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha, mẹ quản lý.
– Con dưới 15 tuổi, con bị mất năng lực hành vi dân sự: Cha, mẹ quản lý. Ngoài ra, cha mẹ còn có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Cho đến khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì số tài sản riêng này sẽ được giao lại cho con.
Lưu ý: Trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.
Như vậy, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận để tài sản của con do cha mẹ quản lý thì khi con đủ 15 tuổi trở lên, tài sản riêng sẽ do con giữ. Với con chưa đủ 15 tuổi thì cha mẹ giữ và giao lại cho con khi con đủ 15 tuổi.
Đáng chú ý: Khoản 3 Điều 76 Luật Hôn nhân và Gia đình có quy định:
Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Theo quy định này, mặc dù cha mẹ được quyền quản lý tài sản của con dưới 15 tuổi hoặc trên 15 tuổi nếu có thỏa thuận với con trừ các trường hợp sau đây:
– Con đang được người khác giám hộ;
– Người tặng cho, để lại tài sản thừa kế theo di chúc chỉ định người khác quản lý tài sản riêng của con.
– Trường hợp khác theo quy định.
Cha, mẹ nuôi
Khoản 3 Điều 68 Luật Hôn nhân và Gia đình khẳng định:
Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật nuôi con nuôi, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
Đồng thời, khoản 1 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi cũng khẳng định:
Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con
Do đó, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi sẽ vẫn thực hiện theo quy định giữa cha mẹ đẻ và con đẻ như phân tích ở trên. Nghĩa là, cha mẹ nuôi cũng có thể quản lý tài sản của con dưới 15 tuổi hoặc trên 15 tuổi nếu có thỏa thuận với con.
Lưu ý: Việc nuôi con nuôi phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và nuôi con nuôi thực tế trước ngày 01/01/2011 phải đăng ký trước ngày 01/01/2016.
Tiền của con, cha mẹ có được tiêu không?
Ngoài việc quản lý tài sản trong đó có tiền của con nuôi, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là liệu cha, mẹ đẻ hoặc cha, mẹ nuôi có được sử dụng tiền riêng của con không?
Để giải đáp vấn đề này, Điều 77 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định:
– Con dưới 15 tuổi: Cha mẹ hoặc người giám hộ có quyền định đoạt tài sản của con vì lợi ích của con;
– Con từ đủ 09 tuổi trở lên: Xem xét nguyện vọng của con.
– Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi: Con được tự định đoạt tài sản riêng của mình trừ những quyết định liên quan đến bất động sản như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở… hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh. Những tường hợp ngoại lệ này phải có văn bản đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
– Con thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự: Do người giám hộ thực hiện.
Như vậy, không phải mọi trường hợp cha, mẹ đều được tiêu tiền của con mà mục đích tiêu tiền cũng phải vì lợi ích của con hoặc xem xét nguyện vọng của con.
Đặc biệt, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, cha, mẹ có thể bị phạt tiền từ 500.000 – 01 triệu đồng nếu có hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của con.
Trên đây là quy định về việc cha mẹ có được giữ tiền riêng của con không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.