Con cái có được quyền cản trở cha mẹ ly hôn không?
Hôn nhân được tạo lập dựa trên tinh thần tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. Do đó, khi không thể duy trì mối quan hệ vợ chồng thì ly hôn cũng phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng.
Theo đó, người gửi yêu cầu giải quyết ly hôn có thể là vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng. Khi hai bên đều đồng ý ly hôn thì thỏa thuận ly hôn thuận tình; Nếu một bên không đồng ý thì bên kia có quyền gửi yêu cầu ly hôn đơn phương.
Căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình 2014, con cái chỉ được yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho cha mẹ trong 01 trường hợp duy nhất là khi một trong hai bên cha mẹ:
– Bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình;
– Là nạn nhân bạo lực gia đình do người còn lại gây ra khiến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong đó, Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007 quy định các hành vi bạo lực gia đình giữa vợ và chồng gồm:
– Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc cố ý khác xâm hại sức khoẻ, tính mạng;
– Lăng mạ hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
– Cưỡng ép quan hệ tình dục;
– Cưỡng ép lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng; Kiểm soát thu nhập nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc tài chính;…
Như vậy, việc ly hôn là việc của hai vợ chồng. Dù là con cái cũng không thể ngăn cản, cấm đoán cha mẹ ly hôn.
Con cái có được ngăn cản cha mẹ ly hôn không? (Ảnh minh họa)
Cha mẹ ly hôn, khi nào xem xét nguyện vọng của con?
Như đã phân tích ở trên, việc ly hôn của cha mẹ tùy thuộc vào mong muốn và quyết định của cha mẹ, con cái không có quyền ngăn cản, cấm đoán. Trong đó, khi cha mẹ ly hôn, chỉ khi giành quyền nuôi con thì Tòa án mới xem xét đến ý kiến của con.
Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, khi ly hôn, hai vợ chồng thỏa thuận về con chung, về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên đối với con.
Chỉ khi con từ đủ 07 tuổi trở lên thì việc ai nuôi con, ai phải cấp dưỡng sẽ phải xem xét nguyện vọng của con. Không chỉ vậy, còn phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để quyết định.
Xem thêm: “Cuộc chiến” giành quyền nuôi con: Ý kiến của con quan trọng thế nào?
Ngăn không cho cha mẹ ly hôn, người con bị phạt nặng
Cố tình ngăn không cho người khác ly hôn là một trong những hành vi bị cấm được nêu tại Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Theo đó, cản trở ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, … nhằm buộc người khác phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ.
Vậy nên khi cố tình ngăn cản cha mẹ ly hôn, tùy vào mức độ mà người con có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt hành chính
Căn cứ vào Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người nào cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải… thì có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng.
Chịu trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, nếu người con ngăn cản cha mẹ ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần… và đã bị xử phạt hành chính rồi nhưng vẫn tiếp tục vi phạm thì có thể bị phạt:
– Cảnh cáo;
– Cải tạo không giam giữ đến 03 năm;
– Phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm;
Nói tóm lại, nếu không đồng ý cho cha mẹ ly hôn, người con nên dùng tình cảm để khuyên bảo và hàn gắn mối quan hệ của cha mẹ chứ không nên ngăn cản cha mẹ ly hôn bằng cách hành vi tiêu cực. Bởi không chỉ ảnh hưởng đến tình cảm gia đình mà còn có thể vi phạm pháp luật.
Nếu còn thắc mắc, độc giả có thể liên hệ 1900 6192 để được giải đáp nhanh nhất.
>> Thủ tục ly hôn: Cần giấy tờ gì? Nộp ở đâu?
>> Mẫu Đơn ly hôn chuẩn của Tòa án và thủ tục ly hôn nhanh nhất