Thông thường vợ, chồng sẽ yêu cầu chia tài sản chung ngay khi gửi đơn ly hôn. Tuy nhiên, tỷ lệ các đôi vợ chồng không thực hiện việc này cũng không hiếm. Vậy khi đó có còn chia được không?
Ly hôn nhiều năm vẫn được chia tài sản chung vợ chồng?
Tài sản chung vợ chồng nêu tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (viết tắt là Luật HN&GĐ 2014) gồm:
– Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập từ lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân trừ trường hợp đã chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân;
– Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung;
– Tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Trong đó, Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định cụ thể các khoản thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân gồm:
– Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp trừ các khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng nhận về ưu đãi người có công với cách mạng, quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng;
– Tài sản mà vợ, chồng xác lập với vật vô chủ, bị chôn giấu, bị chìm đắm, bị đánh rơi, bị bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước;
– Thu nhập hợp pháp khác.
Khi ly hôn, ngoài yêu cầu giải quyết quan hệ hôn nhân, cấp dưỡng, con cái… vợ, chồng có thể yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung theo nguyên tắc nêu tại khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016:
Vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hay theo luật định
Như vậy, việc chia tài sản chung vợ chồng có thể được giải quyết theo thỏa thuận của vợ, chồng hoặc do Tòa án quyết định. Hai vợ, chồng có thể yêu cầu phân chia tài sản ngay trong đơn ly hôn. Ngược lại, nếu trong đơn không đề cập đến vấn đề này thì tài sản đó vẫn thuộc sở hữu chung vợ chồng.
Xem thêm: Đã gửi đơn ly hôn, bổ sung yêu cầu chia tài sản được không?
Do đó, dù đã ly hôn, nếu có yêu cầu hoặc tranh chấp về tài sản chung thì một trong hai bên hoặc cả hai bên đều có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung.
Đã ly hôn có được đòi chia tài sản chung vợ, chồng nữa không? (Ảnh minh họa)
Ly hôn, tài sản chung luôn được chia đôi?
Điều 59 Luật HN&GĐ nêu rõ:
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các Điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các Điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
Như vậy, dù chia theo thỏa thuận hay luật định thì trước hết tài sản chung vợ chồng đều được ưu tiên chia theo thỏa thuận của hai vợ, chồng. Chỉ khi không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì Tòa án căn cứ vào các yếu tố sau đây để chia đôi tài sản chung:
– Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng: Tình trạng sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng, các thành viên khác.
– Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung: Là đóng góp tài sản riêng, thu nhập, công việc và lao động của vợ, chồng vào tài sản chung. Đặc biệt, người vợ, chồng ở nhà nội trợ cũng là lao động có thu nhập tương đương người đi làm.
– Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp: Là chia tài sản chung nhưng vẫn phải đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghề nghiệp được tiếp tục để tạo ra thu nhập…
– Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng: Việc một trong vợ chồng có lỗi khi thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình như về tình nghĩa vợ chồng; tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín, tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người còn lại…
Theo đó, nếu người nào không có lỗi, đóng góp nhiều hơn, hoàn cảnh khó khăn hơn… thì có thể được chia nhiều hơn. Bởi vậy, khi có một trong những yếu tố nêu trên thì có thể tài sản chung không được “chia đôi”.
Trên đây là quy định về việc đã ly hôn có được đòi chia tài sản. Nếu có vướng mắc khác về lĩnh vực hôn nhân, gia đình, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.