Chính sách mới liên quan đến bất động sản 2020 Update 01/2025

Năm 2020, nhiều quy định về đất đai – nhà ở có sự thay đổi. Dưới đây là những quy định mới liên quan đến bất động sản có hiệu lực vào đầu năm 2020, trong đó có những quy định tác động đến toàn bộ các hộ gia đình, cá nhân.

1. Nhiều vi phạm đất đai bị xử phạt tới 1 tỷ đồng

Ngày 05/01/2020, Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai chính thức có hiệu lực. Theo Nghị định này nhiều hành vi vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai bị xử phạt tới 01 tỷ đồng như:

– Tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất ở: Theo khoản 3, 4 Điều 9 Nghị định 91/2019, chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (trong đó có đất ở) tại khu vực nông thôn và đô thị mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì phạt tiền căn cứ theo diện tích tự ý chuyển, mức phạt cao nhất là 01 tỷ đồng (áp dụng đối với tổ chức tự ý chuyển từ 03 héc ta trở lên tại khu vực đô thị).

– Không làm Giấy chứng nhận (Sổ hồng) cho người dân: Theo điều 31 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà thì hình thức và mức xử phạt tương ứng với thời gian và mức độ vi phạm; mức phạt cao nhất là 01 tỷ đồng áp dụng đối với trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên.

– Phân lô, bán nền sai: Khoản 2 Điều 21 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định: Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ từ hai điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì mức phạt cao nhất là 01 tỷ đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 03 héc ta trở lên.

Xem thêm: Nghị định 91/2019: Tự ý chuyển sang đất ở phạt tới 1 tỷ đồng 

Chính sách mới về bất động sản năm 2020

Chính sách mới về bất động sản năm 2020 (Ảnh minh họa)
 

2. Bảng giá đất 63 tỉnh thành giai đoạn 2020 – 2024

Ngày 19/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất. Trên cơ sở Nghị định này, các tỉnh sẽ xây dựng Bảng giá đất mới áp dụng trong 05 năm giai đoạn 2020 – 2024.

Theo khoản 2 Điều 114 Luật Đất đai 2013, Bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau: Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; tính thuế sử dụng đất,…

Như vậy, giá đất theo Bảng giá đất tăng cao thì người dân mất nhiều tiền hơn khi tính thuế sử dụng đất, tiền sử dụng đất. Mặt khác, người có đất bị thu hồi thì mức bồi tường sẽ tăng so những năm trước (tuy nhiên số hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi chiếm tỷ lệ rất ít so với tổng số người sử dụng đất trong cả nước).

Xem thêm: Bảng giá đất Hà Nội giai đoạn 2020 – 2024

3. Quy định mới về xây dựng tầng tum, tầng lửng

Thông tư 07/2019/TT-BXD sửa đổi, bổ sung Thông tư 03/2016/TT-BXD quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

Theo khoản 1 Điều 1 Thông tư 07/2019/TT-BXD, số tầng của tòa nhà (hoặc công trình) bao gồm toàn bộ các tầng trên mặt đất (kể cả tầng kỹ thuật, tầng tum) và tầng nửa/bán hầm, không bao gồm tầng áp mái.

– Công trình có tầng tum không tính vào số tầng của công trình khi chỉ dùng để bao che lồng cầu thang bộ hoặc giếng thang máy, bao che các thiết bị công trình (nếu có), phục vụ mục đích lên mái và cứu nạn, có diện tích không vượt quá 30% diện tích của sàn mái.

– Đối với nhà ở riêng lẻ, tầng lửng không tính vào số tầng của công trình khi diện tích sàn tầng lửng không vượt quá 65% diện tích sàn xây dựng của tầng ngay bên dưới.

Lưu ý: Mỗi công trình chỉ được phép có một tầng lửng không tính vào số tầng của công trình.

4. Thêm trường hợp đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất

Thông tư 07/2019/TT-BTP hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

Theo khoản 1 Điều 4 Thông tư này, các trường hợp đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất gồm:

– Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất;

– Đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất;

– Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời với tài sản gắn liền với đất;

– Đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai;

– Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời với tài sản gắn liên với đất hình thành trong tương lai;

– Đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng không phải là nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khác theo quy định của pháp luật;

– Đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký;

– Đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp đã đăng ký thế chấp;

– Xóa đăng ký thế chấp.

So với Thông tư cũ (Thông tư 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT) thì bổ sung thêm 01 trường hợp đăng ký thế chấp là đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng không phải là nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khác theo quy định của pháp luật.

>> Thủ tục làm Sổ đỏ 2020 – Toàn bộ hướng dẫn mới nhất

Khắc Niệm