Việc đăng ký tạm trú của người dân có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp cơ quan Nhà nước quản lý công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.
Đăng ký tạm trú là nghĩa vụ của ai?
Theo cách giải thích của Luật Cư trú 2006 thì đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ.
Cũng theo Luật này, người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.
Như vậy, theo quy định trên thì người thuê (người đến sinh sống) phải có nghĩa vụ khai báo tạm trú khi đi thuê nhà.
Người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình được những giấy tờ sau:
– Giấy Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đã đăng ký thường trú;
– Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở đó;
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu;
– Trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Bạn đọc có thể tham khảo Hướng dẫn đăng ký tạm trú chi tiết nhất.
Cho thuê nhà, người thuê hay cho thuê phải đi đăng ký tạm trú? (Ảnh minh họa)
Không khai báo tạm trú, người thuê hay người cho thuê bị phạt?
Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, sẽ phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng đối với cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Riêng cơ sở kinh doanh lưu trú không thực hiện việc thông báo lưu trú với cơ quan Công an theo quy định khi có người đến lưu trú sẽ bị phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng (điểm đ khoản 2 Điều 8).
Trường hợp cho người nước ngoài thuê nhà để ở mà không khai báo tạm trú, người cho thuê sẽ bị phạt mức cao hơn, từ 02 – 04 triệu đồng (điểm h khoản 3 Điều 8).
Như vậy, theo các quy định trên, nếu không khai báo tạm trú, cả người thuê và người cho thuê đều bị phạt.
Vì thế, khi đi thuê nhà, người thuê phải lưu ý đi đăng ký tạm trú đúng hạn, người cho thuê phải đôn đốc, nhắc nhở người thuê nhà đi đăng ký tạm trú để tránh bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt.
Ngoài việc tránh bị phạt, việc đăng ký tạm trú sẽ giúp công dân được hưởng một số quyền lợi nhất định như cho con đi học tại các trường công lập; được cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính…