Chủ sở hữu không đồng ý, ngân hàng có được bán đấu giá tài sản thế chấp? Update 01/2025

Ngân hàng có thể xử lý tài sản thế chấp khi bên thế chấp đến hạn mà không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng. Khi ngân hàng bán đấu giá tài sản thế chấp có cần sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản?

Khi nào ngân hàng được bán đấu giá tài sản thế chấp?

Theo Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia.

Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

Như vậy, người có nhu cầu vay tiền có thể mang tài sản của mình để thế chấp tại ngân hàng. Khi đó, hình thành hợp đồng thế chấp giữa chủ sở hữu tài sản và ngân hàng.

Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015 quy định tài sản thế chấp có thể bị xử lý trong các trường hợp sau:

– Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

– Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.

– Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.

Theo khoản 6 Điều 320 Bộ luật Dân sự 2015 khi không thực hiện nghĩa vụ, thực hiện không đúng, vi phạm nghĩa vụ thì người thế chấp phải giao tài sản thế chấp cho ngân hàng để xử lý.

Chủ sở hữu không đồng ý, ngân hàng có được bán đấu giá tài sản thế chấp?

Chủ sở hữu không đồng ý, ngân hàng có được bán đấu giá tài sản thế chấp? (Ảnh minh họa)

Phương thức xử lý tài sản thế chấp

Khi người thế chấp tài sản không thực hiện nghĩa vụ, vi phạm nghĩa vụ quy định tại hợp đồng thế chấp thì tài sản thế chấp có thể bị xử lý thông qua các phương thức theo quy định tại Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

+ Bán đấu giá tài sản;

+ Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;

+ Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;

+ Phương thức khác.

Ngân hàng có thể xử lý tài sản theo các phương thức trên nếu ngân hàng và người thế chấp có thỏa thuận phương thức xử lý tài tản thế chấp khi ký hợp đồng thế chấp.

– Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định trên thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Như vậy, ngân hàng có quyền bán đấu giá tài sản thế chấp nếu trong hợp đồng thế chấp có thỏa thuận phương thức xử lý tài sản thế chấp là bán đấu giá hoặc trường hợp không có thỏa thuận phương thức xử lý tài sản thế chấp.

Khi vi phạm nghĩa vụ, không thực hiện hiện nghĩa vụ, thực hiện không đúng thì người thế chấp không có quyền định đoạt tài sản.

LuatVietnam