1. Đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm là gì?
Theo Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 27/2018/TT-BTNMT, đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm được quy định như sau:
– Đất trồng cây hàng năm là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá 01 năm; kể cả cây hàng năm được lưu gốc để thu hoạch trong thời gian không quá 05 năm và trường hợp trồng cây hàng năm theo chế độ canh tác không thường xuyên theo chu kỳ.
+ Đất trồng cây hàng năm bao gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác.
+ Đất trồng cây hàng năm khác là đất trồng các cây hàng năm không phải là trồng lúa, như các loại cây rau, màu; kể cả cây dược liệu, mía, đay, gai, cói, sả, dâu tằm và đất trồng cỏ hoặc cỏ tự nhiên có cải tạo để chăn nuôi gia súc.
+ Đất trồng cây hàng năm khác bao gồm đất bằng trồng cây hàng năm khác và đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác.
– Đất trồng cây lâu năm là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm theo quy định tại Thông tư liên tịch 22/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT, bao gồm:
+ Cây công nghiệp lâu năm: Là cây lâu năm cho sản phẩm dùng làm nguyên liệu để sản xuất công nghiệp hoặc phải qua chế biến mới sử dụng được như cây cao su, ca cao, cà phê, chè, điều, hồ tiêu, dừa,…;
+ Cây ăn quả lâu năm: Là cây lâu năm cho sản phẩm là quả để ăn tươi hoặc kết hợp chế biến như cây bưởi, cam, chôm chôm, mận, mơ, măng cụt, nhãn, sầu riêng, vải, xoài,…;
+ Cây dược liệu lâu năm là cây lâu năm cho sản phẩm làm dược liệu như hồi, quế, đỗ trọng, long não, sâm,…
+ Các loại cây lâu năm khác là các loại cây lâu năm để lấy gỗ, làm bóng mát, tạo cảnh quan (như cây xoan, bạch đàn, xà cừ, keo, hoa sữa, bụt mọc, lộc vừng,…); kể cả trường hợp trồng hỗn hợp nhiều loại cây lâu năm khác nhau hoặc có xen lẫn cây lâu năm và cây hàng năm.
Chuyển đất trồng cây hàng năm sang cây lâu năm (Ảnh minh họa)
2. Không phải xin phép khi chuyển mục đích sử dụng đất
Theo khoản 1 Điều 11 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 12 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang trồng cây lâu năm không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động.
Lưu ý: Không phải toàn bộ đất trồng cây hàng năm khi chuyển sang trồng cây lâu năm thì không phải xin phép; trường hợp đất trồng lúa chuyển sang đất trồng cây lâu năm phải được phép của cơ quan nhà nước.
3. Trình tự, thủ tục chuyển đất trồng cây hàng năm
Khoản 3 Điều 11 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT quy định trình tự, thủ tục đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hàng năm khác sang trồng cây lâu năm như sau:
* Hồ sơ đăng ký biến động
Theo khoản 2 Điều 11 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT, người sử dụng đất có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ, gồm:
– Đơn đăng ký biến động theo Mẫu số 09/ĐK.
– Giấy chứng nhận.
* Trình tự thực hiện
Bước 1. Nộp hồ sơ
Theo khoản 2, 3 Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ theo cách sau:
Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp tại UBND cấp xã nơi có đất nếu có nhu cầu (xã, phường, thị trấn).
Cách 2: Không nộp tại UBND cấp xã
– Nếu địa phương đã tổ chức Bộ phận một cửa thì nộp tại Bộ phận một cửa ở cấp huyện.
– Nếu chưa tổ chức Bộ phận một cửa thì nộp hồ sơ như sau:
+ Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
+ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, nếu địa phương chưa có Văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết
Bước 3: Trao kết quả
Trên đây là thủ tục chuyển đất trồng cây hàng năm sang cây lâu năm, đây là thủ tục khá đơn giản. Cách đơn giản nhất là hộ gia đình, cá nhân chuẩn bị 01 bộ hồ sơ và nộp tại UBND cấp xã nơi có đất cần chuyển; khi chuyển đất trồng cây hàng năm sang cây lâu năm không phải nộp tiền sử dụng đất.
>> Chuyển mục đích sử dụng đất: Những thông tin mới cần biết
Khắc Niệm