Cổ đông sở hữu bao nhiêu cổ phần thì được biểu quyết? Update 01/2025

Biểu quyết các vấn đề liên quan đến quản lý công ty cổ phần là quyền của cổ đông, vậy cổ đông sở hữu bao nhiêu cổ phần thì được biểu quyết?

Chỉ sở hữu một cổ phần cũng được biểu quyết

Vốn có quyền biểu quyết trong công ty cổ phần chính là cổ phần, theo đó người sở hữu cổ phần có quyền biểu quyết về những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Vốn có quyền biểu quyết có thể là vốn điều lệ hoặc vốn khác.

Với những công ty cổ phần chỉ có cổ phần phổ thông thì tổng số phiếu biểu quyết chính là vốn điều lệ, những trường hợp khác thì tổng số phiếu biểu quyết khác với vốn điều lệ.

Theo điểm a khoản 1 Điều 114 Luật Doanh nghiệp năm 2014, cổ đông có quyền tham dự và phát biểu trong các Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết.

Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần. Xem thêm…

Do đó, mỗi cổ đông dù chỉ sở hữu 01 cổ phần (cổ phần phổ thông hoặc cổ phần ưu đãi biểu quyết) cũng có quyền tham dự và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông.

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng, công ty cổ phần ngoài cổ phần phổ thông còn có cổ phần ưu đãi.

Trong đó, cổ phần ưu đãi gồm: cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác theo Điều lệ công ty. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết, dự Đại hội cổ đông…

Như vậy, tùy thuộc vào cổ phần mà cổ đông sở hữu thì cổ đông có quyền tham dự Đại hội cổ đông và biểu quyết khác nhau.

cổ đông sở hữu bao nhiêu cổ phần
Cổ đông sở hữu bao nhiêu cổ phần thì được biểu quyết? (Ảnh minh họa)
 

Đại hội cổ đông, muốn dự không được mời phải làm gì?

Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Như đã khẳng định ở trên chỉ cần sở hữu 01 cổ phần có quyền biểu quyết là cổ đông có quyền tham dự Đại hội cổ đông.

Song thực tế hiện nay không ít công ty ấn định tỷ lệ cổ phần sở hữu để được tham dự và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông. Điều này là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.

Khi bị vi phạm, cổ đông có thể tập hợp để khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên Hội đồng quản trị, yêu cầu Toà án xem xét miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát trong trường hợp cần thiết (Điều 161 Luật Doanh nghiệp) hoặc;

Cổ đông cũng có thể khởi kiện yêu cầu tòa án, trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết, hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông do trình tự và thủ tục triệu tập họp và ra quyết định không đúng theo quy định (khoản 1 Điều 147 Luật Doanh  nghiệp 2014).

Hậu Nguyễn