Có được chuyển tài sản chung thành tài sản riêng không? Update 01/2025

Tài sản vợ chồng là một trong những vấn đề được khá nhiều người quan tâm. Tài sản riêng có thể được nhập vào khối tài sản chung vậy tài sản chung có thể “biến thành” tài sản riêng không?

Có được thỏa thuận tài sản chung là tài sản riêng không?

Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định, tài sản chung vợ chồng gồm các loại tài sản sau đây:

– Tài sản do vợ, chồng tạo ra;

– Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh;

– Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng;

– Thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ phần tài sản đã được chia trong khối tài sản chung; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân;

– Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung;

– Tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

– Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Đặc biệt: Khi không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì đó được coi là tài sản chung.

Trong khi đó, những tài sản được coi là tài sản riêng của vợ, chồng được nêu tại Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình gồm:

– Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn;

– Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;

– Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân;

– Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng;

– Tài sản khác theo quy định tại Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP như: Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ; Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án; trợ cấp, ưu đãi theo quy định về ưu đãi người có công với cách mạng…

– Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng…

Như vậy, về cơ bản chỉ có những tài sản thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng mới là tài sản riêng. Còn tài sản chung vợ, chồng là tài sản chung hợp nhất của vợ, chồng; được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

Về vấn đề thỏa thuận tài sản chung là tài sản riêng, hiện nay Luật Hôn nhân và Gia đình không có quy định cụ thể mà chỉ quy định về việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung. Tuy nhiên, Điều 35 Luật này nêu rõ:

Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận

Đồng thời, theo khoản 1 Điều 38 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 201, trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung trừ các trường hợp việc thỏa thuận này vô hiệu trong các trường hợp sau đây:

– Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

– Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại, thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản, trả nợ cho cá nhân hoặc tổ chức, nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước…

Do đó, dù không có quy định cụ thể nhưng nếu hai vợ, chồng thỏa thuận về việc coi tài sản chung là tài sản riêng của vợ hoặc của chồng thì sẽ thực hiện theo thỏa thuận đó.


Khi nào tài sản chung “biến thành” tài sản riêng? (Ảnh minh họa)

Làm sao để chuyển tài sản chung thành tài sản riêng?

Khoản 2 Điều 38 Luật Hôn nhân và Gia đình nêu rõ:

Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật

Do đó, khi muốn chuyển từ tài sản chung vợ chồng sang tài sản riêng của vợ hoặc của chồng thì phải lập thành văn bản và văn bản này có thể được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

Khi thực hiện công chứng văn bản thỏa thuận tài sản chung vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân thì thực hiện theo thủ tục sau đây:

Chuẩn bị hồ sơ

– Phiếu yêu cầu công chứng;

– Bản sao giấy tờ tùy thân: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu;

– Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng;

– Bản sao một số giấy tờ khác: Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; Sổ hộ khẩu

– Dự thảo văn bản thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân (nếu có).

Đến đâu công chứng?

Khi thực hiện thủ tục công chứng thì hai vợ, chồng phải đến Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng.

Thời gian thực hiện

Không quá 02 ngày làm việc, với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc (theo khoản 2 Điều 43 Luật Công chứng năm 2014).

Trình tự, thủ tục công chứng

Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu công chứng

Vợ, chồng nộp hồ sơ đã chuẩn bị ở trên cho Công chứng viên và trình bày yêu cầu cần công chứng.

Khi tiếp nhận yêu cầu công chứng, nếu hồ sơ đầy đủ, đúng pháp luật thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng; Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì yêu cầu bổ sung theo quy định.

Bước 2: Thực hiện công chứng

– Công chứng viên phải kiểm tra dự thảo thỏa thuận hoặc soạn sẵn nội dung thỏa thuận sau đó vợ, chồng đọc lại nội dung được soạn, sửa lại nội dung nếu chưa đúng theo yêu cầu.

– Công chứng viên hướng dẫn vợ, chồng ký vào từng trang của thỏa thuận.

– Công chứng viên yêu cầu các bên xuất trình bản chính các giấy tờ có trong hồ sơ để đối chiếu.

– Ghi lời chứng, ký và đóng dấu.

Công chứng văn bản thỏa thuận mất bao nhiêu tiền?

Theo khoản 3 Điều 4 Thông tư số 257/2016/TT-BTC, phí công chứng của văn bản thỏa thuận này bao gồm phí công chứng là 40.000 đồng và thù lao công chứng do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức trần do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành.

Xem thêm: Thỏa thuận chia tài sản chung vợ chồng phải công chứng?

Trên đây là quy định về việc thỏa thuận tài sản chung là tài sản riêng. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Khi nào nhập tài sản riêng vào tài sản chung vợ, chồng?