Khi vợ chồng ly hôn, người không sống cùng con phải cấp dưỡng cho con. Liệu có trường hợp nào, sau khi ly hôn mới thay đổi yêu cầu cấp dưỡng không? Và yêu cầu này có hợp pháp không?
Cha mẹ bắt buộc phải cấp dưỡng cho con sau ly hôn?
Theo khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2014, cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng khi người đó là người:
– Chưa thành niên;
– Đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
– Người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định.
Điều 107 Luật HN&GĐ cũng khẳng định, nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con. Nghĩa vụ này không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác. Riêng với trường hợp cha, mẹ ly hôn, Điều 82 Luật này nêu rõ:
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con
Ngoài ra, dù bị Tòa án hạn chế quyền với con chưa thành niên thì cha, mẹ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con (khoản 3 Điều 87 Luật HN&GĐ 2014).
Khoản 2 Điều 81 Luật HN&GĐ có quy định:
Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn với con.
Từ những quy định nêu trên, có thể thấy, sau khi ly hôn, vợ chồng có thể thỏa thuận về quyền, nghĩa vụ của mỗi bên với con, trong đó có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Như vậy, cấp dưỡng là nghĩa vụ cha hoặc mẹ sau khi ly hôn không sống cùng con chưa thành niên, đã thành niên nhưng không có tài sản và không có khả năng lao động để tự nuôi mình phải thực hiện.
Tuy nhiên, nếu hai vợ chồng có thỏa thuận không cấp dưỡng thì người không trực tiếp nuôi con sẽ không phải cấp dưỡng cho con sau ly hôn.
Có được thay đổi yêu cầu cấp dưỡng cho con sau ly hôn không? (Ảnh minh họa)
Thay đổi yêu cầu cấp dưỡng sau ly hôn được không?
Như phân tích ở trên, cấp dưỡng cho con là nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con. Do vậy, nếu không có thỏa thuận khác thì đây là nghĩa vụ mà cha, mẹ không trực tiếp nuôi con phải thực hiện khi ly hôn.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 116 Luật HN&GĐ, nếu có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi này sẽ do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Ngoài ra, pháp luật hiện nay không quy định cụ thể mức cấp dưỡng là bao nhiêu cũng không giới hạn số tiền bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ. Bởi vậy, tùy vào thu nhập, khả năng thực tế, nhu cầu thiết yếu của người con… để quyết định mức cấp dưỡng.
Không chỉ vậy, việc cấp dưỡng còn có thể được thực hiện định kỳ theo hàng, theo quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên thỏa thuận về phương thức cấp dưỡng, việc ngừng cấp dưỡng… (theo Điều 117 Luật HN&GĐ).
Do đó, nếu không thỏa thuận được, người trực tiếp nuôi con hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết thay đổi yêu cầu cấp dưỡng, mức cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn nếu có lý do chính đáng.
Thậm chí, nếu trốn tránh cấp dưỡng thì có thể bị khởi kiện tại Tòa án để buộc phải thực hiện nghĩa vụ. Không chỉ vậy, trong một số trường hợp người trốn tránh cấp dưỡng còn có thể bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
– Phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng: Không thực hiện theo bản án, quyết định được nêu tại khoản 3 Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP;
– Phạt tù đến 02 năm: Đã bị xử phạt hành chính hoặc có nghĩa vụ và có khả năng thực tế để thực hiện cấp dưỡng nhưng trốn tránh, không thực hiện khiến người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe (khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017).
Ngoài ra, nếu có băn khoăn về thay đổi yêu cầu cấp dưỡng cho con sau ly hôn, bạn đọc có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ hoặc sử dụng dịch vụ tư vấn thủ tục ly hôn trực tuyến. Đồng thời, để thay đổi yêu cầu cấp dưỡng, người có yêu cầu phải có đơn, cụ thể theo bài viết dưới đây:
>> Mẫu Đơn yêu cầu cấp dưỡng sau khi ly hôn thuyết phục nhất