Ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình (Luật HN&GĐ):
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Ngoài ra, cũng tại Điều 51 Luật trên, vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Theo đó, ly hôn có 02 hình thức là ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương:
– Ly hôn thuận tình: Nếu vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, cùng tự nguyện và đã thỏa thuận được về việc chia tài sản, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con… và gửi đơn xin ly hôn thì được Tòa án công nhận (Điều 55 Luật HN&GĐ);
– Ly hôn đơn phương: Đây là hình thức ly hôn theo yêu cầu của một bên. Khi vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ khiến cuộc hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được (Điều 56 Luật HN&GĐ).
Đồng thời, tại Điều 28 và Điều 29 Luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định:
– Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: Ly hôn, tranh chấp nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn…
– Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản sau khi ly hôn, công nhận thỏa thuận của cha, mẹ về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn…
Như vậy, việc giải quyết ly hôn dù là thuận tình hay đơn phương đều thuộc thẩm quyền của Tòa án. Lúc này hai vợ chồng hoặc một trong hai người có thể gửi đơn xin ly hôn đến Tòa án theo thỏa thuận (thuận tình ly hôn) hoặc Tòa án nhân dân nơi bị đơn cư trú (Đơn phương ly hôn).
Xem thêm: Nộp đơn ly hôn ở đâu?
Nộp đơn ly hôn tại UBND xã, phường được không? (Ảnh minh họa)
Có bắt buộc hòa giải ở UBND xã, phường không?
Mặc dù thẩm quyền giải quyết ly hôn thuộc về Tòa án nhưng nhiều người vẫn theo thói quen nộp hồ sơ ly hôn ở UBND xã, phường. Tuy nhiên, bởi Tòa án trực tiếp thụ lý đơn yêu cầu ly hôn nên không cần phải nộp hồ sơ đến UBND xã, phường.
Mặt khác, tại Điều 52 Luật HN&GĐ, khi vợ chồng có yêu cầu ly hôn, Nhà nước và xã hội khuyến khích hòa giải ở cơ sở. Trong đó, cơ sở gồm thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố… (căn cứ Điều 2 Luật Hòa giải cơ sở năm 2013).
Ngoài ra, tại Điều 54 Luật HN&GĐ, sau khi thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án cũng sẽ tiến hành hòa giải theo quy định.
Có thể thấy, pháp luật chỉ đặt ra trường hợp hòa giải ở thôn, làng mà không phải ở UBND xã, phường. Đặc biệt, việc hòa giải này, chỉ là hình thức khuyến khích mà không phải bắt buộc.
Từ những phân tích trên, có thể thấy việc ly hôn không thể giải quyết được tại UBND xã, phường. Nếu còn thắc mắc, độc giả có thể liên hệ 1900 6192 để được giải đáp nhanh nhất.
>> Thủ tục ly hôn: Cần giấy tờ gì? Nộp ở đâu?
>> Mẫu Đơn ly hôn chuẩn của Tòa án và thủ tục ly hôn nhanh nhất