Khi con không nghe lời, hư hỏng đến độ cha, mẹ không còn muốn nhận thì kết quả thường là cha mẹ sẽ từ mặt con. Vậy nếu con bị từ mặt thì còn được hưởng di sản từ cha, mẹ không?
Cha, mẹ từ mặt con có chấm dứt quan hệ cha, mẹ, con không?
Theo quy định tại Điều 69 Luật Hôn nhân và Gia đình, cha, mẹ có nghĩa vụ thương yêu, tôn trọng ý kiến của con… Đồng thời, con cũng có quyền được cha, mẹ yêu thương, tôn trọng, có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ (căn cứ Điều 70 Luật này).
Do đó, giữa cha mẹ và con không chỉ có tình cảm gia đình, gắn bó mật thiết mà còn phải tuân theo các quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của các bên theo Luật Hôn nhân và Gia đình.
Đây thông thường chỉ là hành vi xuất phát từ thực tế khi con và cha mẹ xuất hiện xung đột như con hư hỏng, bất hiếu, không nghe lời… đến nỗi cha, mẹ không muốn nhận con, muốn cắt đứt quan hệ cha, mẹ và con. Và hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể về việc “cha, mẹ từ con” hay chấm dứt quan hệ giữa cha, mẹ và con đẻ.
Tuy nhiên, nếu là quan hệ giữa cha, mẹ và con nuôi thì Luật Nuôi con nuôi, cụ thể là Điều 25 Luật này nêu rõ, việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
– Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;
– Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi…
Không chỉ vậy, theo khoản 1 Điều 78 Luật Hôn nhân và Gia đình, trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quyết định của Tòa án thì quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ nuôi với con nuôi cũng chấm dứt từ ngày quyết định của Tòa an có hiệu lực pháp luật.
Đồng nghĩa, quan hệ cha, mẹ nuôi và con nuôi có thể chấm dứt nhưng phải gửi yêu cầu đến Tòa án nhân dân và được Tòa án công nhận bằng quyết định và thuộc các trường hợp nêu trên.
Xem thêm: Thủ tục chấm dứt nuôi con nuôi hợp pháp
Như vậy, hiện pháp luật chỉ quy định về việc chấm dứt quan hệ giữa cha, mẹ nuôi khi có quyết định của Tòa án trong một số trường hợp nhất định còn quan hệ giữa cha, mẹ đẻ và con đẻ thì không thể chấm dứt. Đặc biệt, dù mối quan hệ là nuôi dưỡng hay ruột thịt thì việc từ mặt con không làm chấm dứt quan hệ cha, mẹ và con dù việc “từ mặt” có được thông báo rộng rãi họ hàng, làng xóm…
Bị từ mặt, con có được hưởng thừa kế từ cha, mẹ không? (Ảnh minh họa)
Con bị cha mẹ từ mặt có được hưởng di sản thừa kế không?
Giữa cha, mẹ đẻ và con đẻ
Như phân tích ở trên, việc từ mặt con của cha, mẹ đẻ không được pháp luật quy định do đó cha, mẹ từ mặt con sẽ không làm chấm dứt quan hệ cha, mẹ và con đẻ.
Trong đó, việc hưởng di sản thừa kế giữa cha, mẹ và con đẻ được quy định như sau:
– Chia thừa kế theo di chúc: Di chúc là văn bản thể hiện ý muốn để tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Do đó, khi cha, mẹ từ mặt con, không muốn con nhận di sản của mình thì trong di chúc phải thể hiện nội dung này (cách gọi khác là truất quyền thừa kế theo di chúc của người con bị từ mặt).
Nếu di chúc hợp pháp, người con không thuộc các trường hợp được nhận di sản không phụ thuộc vào di chúc quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự, trong di chúc không có tên người con “bị từ mặt” thì người này sẽ không được nhận di sản thừa kế.
– Thừa kế theo pháp luật: Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự, con đẻ là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật của cha, mẹ. Do đó, nếu không có di chúc và không thuộc trường hợp không được nhận thừa kế thì dù bị từ mặt nhưng người con này vẫn được nhận di sản thừa kế theo pháp luật của cha, mẹ.
Giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi
Theo Điều 25 Luật Nuôi con nuôi đã nêu ở trên, việc từ mặt con cũng không làm quan hệ giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi chấm dứt. Do đó, việc hưởng di sản thừa kế giữa con nuôi và cha, mẹ nuôi không phụ thuộc vào việc người con này có bị từ mặt hay không mà được quy định như sau:
– Theo di chúc: Người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế… Do đó, nếu cha, mẹ nuôi truất quyền thừa kế của con nuôi do từ mặt con nuôi thì người này sẽ không được hưởng thừa kế theo di chúc.
– Theo pháp luật: Về quan hệ thừa kế theo pháp luật giữa con nuôi và cha, mẹ nuôi, Điều 653 Bộ luật Dân sự nêu rõ:
Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.
Trong đó:
– Điều 651 quy định về các hàng thừa kế và con nuôi của người chết là một trong những đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cha, mẹ nuôi.
– Điều 652 quy định về việc thừa kế thế vị của cháu khi con người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản…
Như vậy, dù bị từ mặt nhưng con nuôi vẫn có thể được hưởng thừa kế của cha, mẹ nuôi theo phân tích ở trên.
Nói tóm lại: Hiện nay, con bị cha mẹ từ mặt thì pháp luật không công nhận việc chấm dứt quan hệ cha, mẹ, con. Do đó, dù bị từ mặt nhưng người con vẫn có thể được hưởng di sản từ cha, mẹ.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
>> Cách chia thừa kế nhà đất do cha mẹ để lại mới nhất
>> Xem thêm các chính sách về hôn nhân và gia đình dưới dạng video tại đây