Công chứng giấy tờ ở đâu? Bản sao công chứng có giá trị thế nào? Update 03/2024

Hãy theo dõi bài viết sau để hiểu rõ công chứng giấy tờ là gì và được thực hiện ở đâu theo quy định của pháp luật.

1. Công chứng giấy tờ là gì?

Định nghĩa công chứng được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014 như sau:

Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Theo quy định này, việc công chứng chỉ dành cho hợp đồng, giao dịch bằng văn bản và bản dịch giấy tờ.

Không phải bất kỳ loại giấy tờ nào cũng được công chứng. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người thường dùng “công chứng giấy tờ” khi thực hiện việc chứng thực và phổ biến là chứng thực bản sao từ bản chính.

Cụ thể, chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính (theo Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP).

Ngoài chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực còn có các hoạt động khác là: Cấp bản sao từ sổ gốc; Chứng thực chữ ký; Chứng thực hợp đồng, giao dịch (khác với công chứng hợp đồng, giao dịch).

Tóm lại, công chứng giấy tờ không phải khái niệm đúng mà chỉ là cách gọi được nhiều người dùng để chỉ việc chứng thực một văn bản, giấy tờ có nội dung, hình thức đúng với bản chính.

Công chứng giấy tờ là cách mà nhiều người dùng để chỉ việc chứng thực bản sao đúng với bản chính (Ảnh minh họa)

 

2. Công chứng giấy tờ ở đâu?

2.1. Cơ quan nào công chứng, chứng thực giấy tờ?

Theo Luật Công chứng, việc công chứng hợp đồng, giao dịch hoặc bản dịch chỉ được thực hiện tại Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng.

Còn đối với công chứng giấy tờ hay chính xác là chứng thực giấy tờ, người có nhu cầu có thể đến một trong các cơ quan sau:

– Phòng Tư pháp huyện: Chứng thực bản sao do cơ quan của Việt Nam, nước ngoài, Việt Nam liên kết với nước ngoài cấp hoặc chứng nhận. Trong trường hợp này, người ký chứng thực là Trưởng phòng, Phó trưởng phòng Tư pháp cấp huyện.

– Ủy ban nhân dân cấp xã: Chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận. Người ký trong trường hợp này là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã.

– Cơ quan đại diện: Chứng thực bản sao do cơ quan của Việt Nam, nước ngoài, Việt Nam liên kết với nước ngoài cấp hoặc chứng nhận. Người ký là viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự.

– Phòng/Văn phòng công chứng: Chứng thực bản sao do cơ quan của Việt Nam, nước ngoài, Việt Nam liên kết với nước ngoài cấp hoặc chứng nhận. Việc ký do Công chứng viên tại tổ chức hành nghề công chứng thực hiện.

(theo Điều 5 Nghị định 23 năm 2015)

2.2. Công chứng giấy tờ ở đâu trong mùa dịch?

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, rất nhiều người thắc mắc không biết các cơ quan trên có mở cửa không và công chứng giấy tờ ở đâu trong mùa dịch?

Thực tế, các cơ quan Nhà nước như Phòng Tư pháp cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Phòng/Văn phòng công chứng vẫn là những cơ quan được phép hoạt động.

Do đó, nếu có nhu cầu, người cần chứng thực giấy tờ hoàn toàn có thể đến trụ sở của các cơ quan này để chứng thực.
 

3. Bản sao chứng thực có giá trị như thế nào?

Theo Điều 3 Nghị định 23, bản sao chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Ngoài ra, các hoạt động chứng thực khác có giá trị pháp lý như sau:

– Bản sao cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

– Chữ ký được chứng thực có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.

– Hợp đồng, giao dịch được chứng thực có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

  Công chứng giấy tờ ở đâu? (Ảnh minh họa)
 

4. Phí chứng thực hết bao nhiêu tiền?

– Chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã, phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng/Văn phòng công chứng, mức thu phí chứng thực quy định như sau:

STT
Nội dung thu
Mức thu
1
Phí chứng thực bản sao từ bản chính
2.000 đồng/trang. Từ trang thứ ba trở lên thu 1.000 đồng/trang, nhưng mức thu tối đa không quá 200.000 đồng/bản. Trang là căn cứ để thu phí được tính theo trang của bản chính
2
Phí chứng thực chữ ký
10.000 đồng/trường hợp. Trường hợp được hiểu là một hoặc nhiều chữ ký trong cùng một giấy tờ, văn bản
3
Phí chứng thực hợp đồng, giao dịch:
 
a
Chứng thực hợp đồng, giao dịch
50.000 đồng/hợp đồng, giao dịch
b
Chứng thực việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch
30.000 đồng/hợp đồng, giao dịch
c
Sửa lỗi sai sót trong hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực
25.000 đồng/hợp đồng, giao dịch

​(theo Điều 4 Thông tư 226/2016/TT-BTC)

– Chứng thực giấy tờ tại cơ quan ngoại giao: Phí chứng thực bản sao từ bản chính là 10 USD/bản (theo Phụ lục 02 ban hành kèm Thông tư số 264/2016/TT-BTC)

Trên đây là các thông tin về: Công chứng giấy tờ ở đâu? Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.

>> 6 loại giấy tờ không được chứng thực bản sao từ bản chính