Có không ít công ty giữ lại một phần lương của người lao động như một biện pháp đảm bảo người lao động tiếp tục làm việc ở công ty. Theo quy định của pháp luật lao động thì công ty có được giữ lương của người lao động?
Nguyên tắc trả lương
Theo Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, người lao động phải được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng hạn.
Đồng thời, Nghị định này cũng nêu rõ, người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm cụ thể trong tháng.
Theo đó, trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn thì không được trả chậm quá 01 tháng.
Đặc biệt, công ty chậm trả lương, nhân viên được nhận thêm tiền lãi.
Công ty có được giữ lương của người lao động (Ảnh minh họa)
Công ty có được giữ lương của người lao động?
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu không có lí do bất khả kháng, đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn thì người sử dụng lao động không được chậm trả, giữ lương của người lao động.
Công ty không được phép thực hiện hành vi giữ lương, chậm trả lương hay kỷ luật bằng hình thức phạt tiền lương…
Công ty chậm trả lương cho người lao động còn có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP).
Cụ thể, khoản 3 Điều 13 Nghị định này quy định, công ty trả lương không đúng hạn sẽ bị phạt tiền từ 05 – 50 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm.
Ngoài bị phạt tiền, doanh nghiệp còn bị buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại Nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định.
LuatVietnam