Cảnh sát giao thông (CSGT) khi tiến hành xử lý vi phạm có được gửi quyết định xử phạt về cơ quan, đơn vị nơi người vi phạm đang làm việc không?
Các hình thức gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, trong thời hạn 02 ngày làm việc, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành (Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Theo đó, quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết.
Như vậy, CSGT có 02 hình thức để gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện cho cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông.
Tuy nhiên, trong trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận quyết định thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là quyết định đã được giao.
Còn trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt thuộc một trong các trường hợp sau thì được coi là quyết định đã được giao:
– Gửi qua đường bưu điện đến lần thứ 03 mà bị trả lại do cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận;
– Niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị xử phạt;
– Có căn cứ cho rằng người vi phạm trốn tránh không nhận quyết định xử phạt.
CSGT có được gửi quyết định xử phạt về cơ quan? (Ảnh minh họa)
Có được gửi quyết định xử phạt về cơ quan?
Căn cứ vào quy định nêu trên, quyết định xử phạt được gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành.
Theo đó, đối tượng nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính gồm:
– Cá nhân, tổ chức bị xử phạt;
– Cơ quan thu tiền phạt;
– Cơ quan liên quan khác (nếu có).
Đối chiếu với mẫu quyết định xử phạt vi phạm hành chính ban hành kèm theo Nghị định 97/2017/NĐ-CP thì quyết định được giao cho 03 đối tượng sau:
– Cá nhân vi phạm/người đại diện tổ chức vi phạm;
– Kho bạc nhà nước;
– Cá nhân/tổ chức có trách nhiệm chủ trì tổ chức thi hành quyết định.
Do đó, quyết định xử phạt chỉ gửi cho tổ chức, cá nhân để chủ trì thi hành quyết định, không gửi cho các cơ quan, tổ chức khác.
>> 8 thay đổi trong xử phạt vi phạm hành chính 2019 theo Nghị định 97
Hậu Nguyễn