CSGT có được kiểm tra cốp xe, ví, điện thoại… ? Update 11/2024

Cảnh sát giao thông (CSGT) có thẩm quyền tuần tra, kiểm soát người và phương tiện. Vậy CSGT có được kiểm tra cốp xe, ví, điện thoại… của người tham gia giao thông không?

3 nội dung kiểm soát của CSGT

Khi thực hiện việc kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ hoặc xử lý vi phạm về giao thông đường bộ, CSGT được kiểm soát các nội dung sau theo khoản 1 Điều 14 Thông tư 01/2016/TT-BCA:

  • Kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện

– Giấy phép lái xe;

– Giấy đăng ký xe;

– Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ;

– Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;

– Giấy tờ khác có liên quan đến người, phương tiện, hoạt động vận tải.

Khi kiểm soát phải đối chiếu giữa các giấy tờ với nhau, giữa giấy tờ có liên quan với thực tế người, phương tiện, hàng hóa vận chuyển trên phương tiện.

  • Kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện

– Kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự;

– Kiểm soát biển số phía trước, phía sau, đèn chiếu sáng (chiếu xa, chiếu gần), đèn tín hiệu, gạt nước, gương chiếu hậu, đèn báo hãm, đèn hậu, đèn soi biển số, đèn lùi;

– Kiểm soát và đánh giá về tình trạng kỹ thuật hệ thống lái, các đòn ba dọc, ban gang, khớp nối; hệ thống phanh; thiết bị giám sát hành trình; các công tác còi, đèn; hệ thống bánh lốp về kích cỡ, độ mòn, áp lực hơi…;

– Kiểm soát việc trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy, giấy phép vận chuyển đối với các phương tiện chở khách, chở xăng, dầu, hàng nguy hiểm.

  • Kiểm soát hoạt động vận tải đường bộ

– Kiểm soát quy cách, kích thước hàng hóa, đồ vật chuyên chở (dài, rộng, cao), chủng loại, trọng lượng hàng hóa hoặc số người trên phương tiện so với nội dung quy định tại các loại giấy tờ, tính hợp pháp của hàng hóa và các biện pháp bảo đảm an toàn;

– Nếu có căn cứ cho rằng trong phương tiện vận tải, đồ vật có cất giấu tang vật vi phạm hành chính và người tham gia giao thông có cất giấu trong người đồ vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính thì được khám phương tiện vận tải, đồ vật và khám người theo thủ tục hành chính;

– Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì lập biên bản vụ việc, tạm giữ người, tang vật, phương tiện, giấy tờ, tài liệu có liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết.

Như vậy, CSGT được dừng phương tiện để kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện, các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện và kiểm soát hoạt động vận tải đường bộ.

CSGT có được kiểm tra cốp xe

CSGT có được kiểm tra cốp xe, ví, điện thoại… (Ảnh minh họa)
 

Quyền kiểm tra cốp xe, ví, điện thoại… của CSGT

Theo quy định đã nêu ở trên, CSGT có thẩm quyền kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông.

Trong đó, có nội dung kiểm soát hoạt động vận tải đường bộ, mà vận tải đường bộ là hoạt động sử dụng phương tiện giao thông đường bộ (như xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp, xe xích lô, rơ moóc…) để vận chuyển người, hàng hóa trên đường bộ.

Trường hợp có căn cứ cho rằng trong phương tiện vận tải, đồ vật có cất giấu tang vật vi phạm hành chính và người tham gia giao thông có cất giấu trong người đồ vật, phương tiện được dùng để vi phạm hành chính thì được khám phương tiện, đồ vật và khám người theo thủ tục hành chính.

Đối chiếu với quy định tại Điều 127, Điều 128 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, việc khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng:

– Người đó cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính;

– Trong phương tiện vận tải, đồ vật đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính.

Việc khám người, phương tiện vận tải, đồ vật phải có quyết định bằng văn bản và phải do người có thẩm quyền ban hành như:

– Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy […];

– Thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên, Trạm trưởng Trạm công an cửa khẩu…

Do đó, việc khám cốp xe, ví, điện thoại… của người tham gia giao thông chỉ được thực hiện khi có căn cứ cho rằng trong đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính.

Trong khuôn khổ bài viết này, người có quyền khám phương tiện, đồ vật của người tham gia giao thông là:

– Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;

– Trưởng phòng Cảnh sát trật tự;

– Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt;

– Thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên.

Trừ trường hợp có căn cứ cho rằng, nếu không tiến hành khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy, thì ngoài những người trên, chiến sĩ CSGT, cảnh sát cơ động đang thi hành công vụ được khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính.

Đồng thời, phải báo cáo ngay cho thủ trưởng trực tiếp của mình và phải chịu trách nhiệm về việc khám.

Như vậy, CSGT chỉ có quyền khám cốp xe, điện thoại, ví… khi có căn cứ để cho rằng nếu không khám ngay thì tang vật (vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính) sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy.

>> Quy trình dừng xe của cảnh sát giao thông khi xử lý vi phạm

Hậu Nguyễn