Đã cho con nuôi, cha mẹ đẻ có đòi lại được không? Update 01/2025

Việc cho nhận con nuôi được thực hiện vì lợi ích tốt nhất cho người được nhận làm con nuôi. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp sau khi cho con nuôi, cha mẹ đẻ lại hối hận và muốn nhận lại con của mình.

Khi nào được thay đổi quyết định cho con nuôi?

Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi (theo khoản 1 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi 2010). Theo đó, quan hệ nhận con nuôi chỉ được xác lập sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký.

Đặc biệt, nếu người được nhận nuôi có cha mẹ đẻ thì trong quá trình nhận nuôi, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã phải tiến hành lấy ý kiến của cha mẹ đẻ:

– Cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi phải đồng ý về việc nhận nuôi con nuôi. Việc đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác;

– Việc lấy ý kiến phải được lập thành văn bản, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người được lấy ý kiến;

– Công chức tư pháp, hộ tịch phải tư vấn đầy đủ cho cha mẹ đẻ về việc cha mẹ đẻ sẽ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng với con đã được cho làm con nuôi trừ khi có thỏa thuận khác.

Có thể thấy, khi cha mẹ đẻ đã cho con làm con nuôi thì phải được tư vấn đầy đủ, hiểu rõ về quyền, lợi ích của mình với con cũng như quyền và lợi ích của cha mẹ nuôi với con nuôi… Do đó, kể từ thời điểm giao nhận con nuôi thì cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ liên quan đến người được cho làm con nuôi.

Tuy nhiên, để tránh trường hợp có gian lận hoặc có hành vi vi phạm pháp luật, tại khoản 4 Điều 9 Nghị định 19/2011/NĐ-CP, Chính phủ có quy định:

Những người liên quan do chưa nhận thức đầy đủ, chưa hiểu rõ những vấn đề được tư vấn hoặc bị ảnh hưởng, tác động bởi yếu tố tâm lý, sức khỏe đã đồng ý cho trẻ em làm con nuôi sau đó muốn thay đổi ý kiến thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được lấy ý kiến, những người liên quan phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi đang giải quyết hồ sơ

Căn cứ quy định trên, chỉ có 01 trường hợp duy nhất, cha mẹ đẻ được thay đổi quyết định cho con làm con nuôi của người khác nếu đáp ứng các điều kiện sau:

– Chưa nhận thức đầy đủ, chưa hiểu rõ những vấn đề được tư vấn hoặc bị ảnh hưởng, tác động của yếu tố tâm lý, sức khỏe;

– Thời hạn để thay đổi là 15 ngày kể từ ngày được lấy ý kiến;

– Phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi đang giải quyết hồ sơ nuôi con nuôi.

Đặc biệt lưu ý: Sau thời hạn 15 ngày nêu trên, những người liên quan không được thay đổi ý kiến về việc cho trẻ em làm con nuôi.

Như vậy, chỉ có duy nhất 01 trường hợp, cha mẹ đẻ được quyền thay đổi quyết định cho trẻ em làm con nuôi người khác.

đòi lại con đã cho làm con nuôi

Cha mẹ đẻ có được đòi lại con đã cho làm con nuôi không? (Ảnh minh họa)
 

4 trường hợp cha mẹ đẻ đòi lại con đã cho con nuôi

Mặc dù chỉ có 01 trường hợp cha mẹ đẻ được thay đổi ý kiến khi đã cho con nuôi nhưng theo quy định tại Điều 25 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

– Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;

– Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;

– Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;

– Vi phạm một trong các quy định như: Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi; phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi; lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số; ông bà nhận cháu làm con nuôi, anh chị em nhận nhau làm con nuôi…

Như vậy, nếu vi phạm các điều nêu trên thì quan hệ nuôi con nuôi sẽ chấm dứt. Khi đó, nếu con nuôi là người chưa thành niên hoặc đã thành niên mà mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động thì Tòa án có thể giao lại con cho cha mẹ đẻ.

Trong trường hợp này, quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đẻ đã chấm dứt được khôi phục.

Nói tóm lại, khi đã cho con nuôi, cha mẹ đẻ chỉ được quyền nhận lại con nuôi trong 02 trường hợp đã nêu ở trên.

>> Hướng dẫn mới nhất về thủ tục nhận con nuôi trong nước

Nguyễn Hương