Đã ly hôn ở nước ngoài, muốn kết hôn tại Việt Nam phải làm sao? Update 11/2024

Nhiều người lấy chồng là người nước ngoài và theo chồng ra nước ngoài sinh sống. Tuy nhiên, khi ly hôn và muốn kết hôn với người khác ở Việt Nam thì phải làm thế nào?


1. Thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ ly hôn

Hợp pháp hóa lãnh sự là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam

Đây là định nghĩa được nêu tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự. Theo đó, khi việc ly hôn thực hiện ở nước ngoài thì những giấy tờ về việc ly hôn này sẽ được thể hiện dưới dạng tiếng nước ngoài đó.

Do đó, để được công nhận và sử dụng giấy tờ liên quan đến việc ly hôn ở nước ngoài tại Việt Nam thì người đã ly hôn ở nước ngoài phải thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự. Cụ thể như sau:

1.1 Hồ sơ cần chuẩn bị gì?

Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP quy định hồ sơ để hợp pháp hóa lãnh sự gồm:

– Tờ khai.

– Giấy tờ tùy thân như: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu…

– Giấy tờ đề nghị hợp pháp hóa lãnh sự (bản chính và bản chụp để cơ quan có thẩm quyền lưu).

– Bản dịch giấy tờ hợp pháp hóa lãnh sự sang tiếng Việt hoặc tiếng Anh hoặc thứ tiếng mà cán bộ cơ quan đại diện có thể hiểu được (bản chính và bản chụp để cơ quan có thẩm quyền lưu).

1.2 Nơi nộp hồ sơ ở đâu?

Nơi nộp hồ sơ trong trường hợp này được quy định tại Điều 5 Nghị định 111 nêu trên gồm:

– Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao có địa chỉ tại 40 Trần Phú, Ba Đình, TP. Hà Nội.

– Sở ngoại vụ TP. HCM có địa chỉ tại 6 Alexandre de Rhodes, Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM.

– Cơ quan ngoại vụ tỉnh, thành phố được Bộ Ngoại giao ủy quyền.

– Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự hoặc cơ quan khác (cơ quan đại diện) được ủy quyền ở nước ngoài.

1.3 Thời gian giải quyết là bao lâu?

Thời gian thực hiện hợp pháp hóa sau khi đã nộp đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu là 01 ngày. Nếu hồ sơ có số lượng từ 10 giấy tờ trở lên thì thời hạn này không quá 05 ngày làm việc (căn cứ khoản 5 Điều 11 Nghị định 111).

1.4 Hợp pháp hóa lãnh sự tốn bao nhiêu tiền?

Theo điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư 157/2016, mức phí hợp pháp hóa lãnh sự là 30.000 đồng/lần.


Kết hôn tại Việt Nam khi đã ly hôn ở nước ngoài thế nào? (Ảnh minh họa)

 

2. Ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn ở nước ngoài

Khoản 2 Điều 37 Nghị định 123/2015/NĐ-CP nêu rõ:

Công dân Việt Nam đã ly hôn, hủy việc kết hôn ở nước ngoài, sau đó về nước thường trú hoặc làm thủ tục đăng ký kết hôn mới tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì phải ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn, hủy kết hôn đã được giải quyết ở nước ngoài (sau đây gọi là ghi chú ly hôn). Trường hợp đã nhiều lần ly hôn hoặc hủy việc kết hôn thì chỉ làm thủ tục ghi chú ly hôn gần nhất.

Như vậy, khi muốn kết hôn lần hai ở Việt Nam khi trước đó đã ly hôn ở nước ngoài, người có nhu yêu cần phải ghi chú ly hôn vào sổ hộ tịch. Theo đó, thủ tục này thực hiện như sau:

2.1 Ai thực hiện ghi chú?

Điều 38 Nghị định 123/2015 quy định, cơ quan có thẩm quyền thực hiện ghi chú ly hôn cho công dân là Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện. Cụ thể:

– UBND cấp huyện nơi đã đăng ký kết hôn hoặc ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn trước đây. Nếu nơi thực hiện trước đây là Sở Tư pháp thì là UBND cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam.

– UBND cấp trên của UBND cấp xã đã đăng ký kết hôn trước đây.

– UBND cấp huyện nơi cư trú trước khi xuất cảnh nếu công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam.

– UBND cấp huyện nơi thường trú: Công dân Việt nam từ nước ngoài về thường trú tại Việt Nam hoặc việc kết hôn đăng ký tại cơ quan đai diện hoặc ở nước ngoài.

– UBND cấp huyện nơi tiếp nhận hồ sơ kết hôn mới nếu công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có yêu cầu mà việc kết hôn trước đây thực hiện tại cơ quan đại diện hoặc tại nước ngoài.

2.2 Cần chuẩn bị gì để ghi chú ly hôn?

Hồ sơ ghi chú ly hôn được quy định tại khoản 1 Điều 39 Nghị định 123/2015 gồm:

– Tờ khai.

– Bản sao giấy tờ ly hôn đã có hiệu lực pháp luật. Lưu ý, nếu cần thì phải có hợp pháp hóa lãnh sự.

2.3 Ghi chú ly hôn có lâu không?

Theo khoản 2 Điều 50 Luật Hộ tịch, thời gian thực hiện việc ghi chú ly hôn là 12 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và đủ điều kiện theo quy định. Khi đó, người yêu cầu sẽ được cấp trích lục ghi chú ly hôn.

Về thời gian cụ thể thực hiện ghi chú ly hôn, khoản 2 Điều 39 Nghị định 123/2015 nêu rõ:

05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức hộ tịch sẽ kiểm tra hồ sơ.

10 ngày làm việc: Nếu cần xác minh thêm.

Riêng trường hợp bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực do nước ngoài cấp vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình; phải đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp sẽ bị từ chối ghi chú.

2.4 Mất bao nhiêu tiền để ghi chú ly hôn?

Lệ phí ghi chú ly hôn theo quy định tại khoản 3 Điều 3 và điểm c khoản 2 Điều 5 Thông tư số 85/2019/TT-BTC do Hội đồng nhân dân tỉnh quy đinh.

Do đó, với mỗi tỉnh, thành khác nhau thì mức phí này được quy định khác nhau.


3 bước để kết hôn khi đã ly hôn ở nước ngoài (Ảnh minh họa)


3. Thủ tục đăng ký kết hôn khi đã ly hôn ở nước ngoài

Sau khi thực hiện được hai nội dung hợp pháp hóa lãnh sự và ghi chú việc ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, người có nhu cầu kết hôn thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền.

3.1 Nếu kết hôn với người Việt Nam

Nếu muốn kết hôn với người Việt Nam trong nước thì cần thực hiện theo thủ tục sau đây:

– Hồ sơ cần chuẩn bị: Tờ khai đăng ký kết hôn; giấy tờ tùy thân; giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; quyết định/bản án ly hôn có hiệu lực pháp luật (nếu có).

– Cơ quan thực hiện: UBND cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ…

– Thời gian thực hiện: Không quá 05 ngày làm việc.

Xem thêm: Thủ tục đăng ký kết hôn: Hồ sơ, trình tự thế nào?

3.2 Nếu kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam

Nếu muốn kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam thì cần thực hiện theo thủ tục sau đây:

– Hồ sơ cần chuẩn bị: Tờ khai đăng ký kết hôn; giấy tờ tùy thân, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Nếu người nước ngoài không có giấy tờ này thì cần có giấy tờ thay thế chứng minh người này đủ điều kiện kết hôn; giấy xác nhận không bị tâm thần, đủ nhận thức, làm chủ hành vi, hộ chiếu…

– Cơ quan thực hiện: UBND cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam.

Xem thêm: Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài

Trên đây là quy định về việc kết hôn khi đã ly hôn ở nước ngoài. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Thủ tục đăng ký kết hôn online tiến hành thế nào?