Thông tin về việc đăng ảnh người khác lên Facebook bị phạt đến 20 triệu đồng đã làm xôn xao cộng đồng mạng những ngày qua. Vậy, đăng ảnh người khác lên Facebook thế nào để không bị phạt?
Khi nào sử dụng hình ảnh người khác không phải xin phép?
Quyền về hình ảnh là quyền của cá nhân được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định 02 trường hợp mà việc sử dụng hình ảnh không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
– Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
– Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Đăng ảnh người khác lên Facebook thế nào để không bị phạt?
Như vậy, chỉ có trường hợp đăng ảnh người khác vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng hoặc ảnh từ các hoạt động công cộng là không phải xin phép.
Còn lại, nếu muốn đăng ảnh người khác hợp pháp, không bị phạt thì đều phải xin ý kiến người có hình ảnh hoặc người đại diện của họ trước khi đăng tải, sử dụng hình ảnh.
Kể cả đăng hình ảnh của mình nhưng trong bức ảnh có mặt người khác (kể cả người thân, người yêu) thì vẫn cần xin phép người đó trước khi đăng hoặc sử dụng các công cụ để che mặt/làm mờ hình ảnh của họ.
Làm thế nào đăng ảnh người khác lên Facebook không bị phạt? (Ảnh minh họa)
Có được đăng ảnh tố cáo việc làm sai trái?
Đây là thắc mắc của nhiều người, chẳng hạn đăng ảnh chồng với nhân tình, đăng ảnh tố cáo một hành vi phạm pháp luật, đăng hình ảnh cảnh sát giao thông làm việc không minh bạch …
Theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Trước khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền, những người có việc làm bị tố cáo đó vẫn được pháp luật bảo vệ quyền hình ảnh của mình.
Như vậy, việc cần làm khi phát hiện hành vi phạm pháp luật là tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Việc đăng những hình ảnh “được cho là” sai trái khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền có thể vẫn bị xử phạt theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Phải làm gì khi bị người khác đăng ảnh chưa xin phép?
Khoản 3 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Khi phát hiện hình ảnh của mình bị người khác đăng lên Facebook mà chưa được mình đồng ý, người có hình ảnh cần yêu cầu người đó xóa bỏ.
Nếu người đó vẫn không thực hiện thì người có hình ảnh cần lưu lại bằng chứng để gửi yêu cầu tới Tòa án có thẩm quyền, yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc sử dụng hình ảnh của mình. Nếu gây thiệt hại cho mình thì yêu cầu bồi thường.