Phạm nhân có quyền kết hôn không?
Khi đang chấp hành hình phạt tù, công dân Việt Nam sẽ bị tước một số quyền công dân. Cụ thể nêu tại Điều 44 Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm:
1. Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật này quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:
a) Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;
b) Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Như vậy, chỉ khi bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội phạm mà Bộ luật Hình sự quy định thì người phạm tội mới bị tước một hoặc một số quyền công dân.
Trong đó, thời gian bị tước quyền công dân là từ 01 – 05 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực trừ trường hợp được hưởng án treo.
Căn cứ quy định trên, không có trường hợp nào tước quyền được đăng ký kết hôn của người đang đi tù.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình chỉ quy định các hành vi liên quan đến đăng ký kết hôn sau đây bị cấm:
– Kết hôn giả tạo;
– Cưỡng ép, lừa dối, cản trở kết hôn;
– Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác;
– Kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha mẹ với con nuôi; đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
– Yêu sách của cải trong kết hôn.
Như vậy, có thể thấy, người đang đi tù không bị tước quyền đăng ký kết hôn và cũng không thuộc một trong những trường hợp bị cấm kết hôn. Do đó, đối tượng này hoàn toàn được quyền đăng ký kết hôn nếu đáp ứng các điều kiện kết hôn sau đây:
– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
– Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
– Không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn nêu trên.
Người đi tù có được kết hôn không? (Ảnh minh họa)
Đang đi tù, thực hiện đăng ký kết hôn thế nào?
Hiện nay, để thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn, nam, nữ phải cùng có mặt tại cơ quan có thẩm quyền để thực hiện. Trong trường hợp cả hai không thể trực tiếp nộp hồ sơ thì một trong hai người có thể thực hiện nộp mà không cần có văn bản ủy quyền của bên còn lại.
Tuy nhiên, khi trả kết quả, đăng ký kết hôn, bắt buộc nam, nữ phải có mặt theo khoản 5 Điều 3 Thông tư 04 năm 2020:
Khi trả kết quả đăng ký kết hôn, đăng ký lại kết hôn, cả hai bên nam, nữ phải có mặt; khi trả kết quả đăng ký nhận cha, mẹ, con, cả bên nhận và bên được nhận là cha, mẹ, con đều phải có mặt.
Mặt khác, về việc trích xuất phạm nhân, khoản 17 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 định nghĩa:
Trích xuất là việc thực hiện quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này đưa phạm nhân, người bị kết án tử hình hoặc người chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng ra khỏi nơi quản lý và chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, khám bệnh, chữa bệnh, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo trong thời hạn nhất định
Căn cứ quy định này, phạm nhân chỉ được trích xuất ra khỏi trại giam để phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, khám chữa bệnh, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo trong thời hạn nhất định mà không được trích xuất để thực hiện đăng ký kết hôn.
Do đó, mặc dù không bị cấm đăng ký kết hôn nhưng người đang đi tù không thể thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn.
Trên đây là quy định về việc đi tù có được kết hôn không? Ngoài ra, nếu độc giả còn thắc mắc gì thì liên hệ 1900 6192 để được tư vấn, giải đáp nhanh nhất.