Có rất nhiều lý do để một người có dao trong cốp xe như để phòng thân, để mang đi gọt hoa quả khi dã ngoại, để mang từ nhà tới công ty…. Tuy nhiên, việc xử phạt với hành vi này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Dao có phải là vũ khí?
Theo định nghĩa của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi năm 2019:
– Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự;
– Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu;
– Vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao, bao gồm:
+ Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này;
+ Vũ khí thô sơ dùng để luyện tập, thi đấu thể thao;
– Vũ khí có tính năng tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao…
Như vậy, dao thông thường không được xếp vào danh sách các loại vũ khí. Chỉ có dao găm thuộc danh mục vũ khí thô sơ.
Để dao trong cốp xe có bị phạt? (Ảnh minh họa)
Để dao trong cốp xe có thể bị phạt đến 20 triệu đồng
Trường hợp để dao găm trong cốp xe có thể bị xử phạt theo điểm c khoản 5 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép. Hành vi này có mức phạt từ 10 – 20 triệu đồng, đồng thời bị tịch thu tang vật vi phạm.
Ngoài ra, căn cứ điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 02 – 03 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác.
Đối với hành vi để dao trong cốp xe mà không nhằm gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác sẽ không bị xử phạt theo quy định này.
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Vì thế, khi phát hiện một người mang dao trong cốp xe, người có thẩm quyền phải chứng minh được người đó mang dao nhằm gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích mới được xử phạt.
Đồng thời, người mang dao trong cốp xe có quyền chứng minh mình mang dao với mục đích khác (như gọt hoa quả khi đi dã ngoại) để tránh bị xử phạt.
Nếu còn vấn đề vướng mắc về việc xử phạt hành chính, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900 6192 để được hỗ trợ.