Di chúc bị mất có còn hiệu lực không? Update 01/2025

Người ta thường nghĩ ngay đến việc lập di chúc khi muốn để lại tài sản của mình cho người khác sau khi qua đời. Vậy phải bảo quản và lưu giữ nó như thế nào? Chẳng may mất đi thì di chúc đó còn hiệu lực nữa không?

Theo quy định của pháp luật, di chúc có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế.

Theo đó, Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người để lại di sản thừa kế chết. Như vậy, nếu di chúc lập xong mà bị mất thì ta sẽ có hai trường hợp xảy ra.

Mất di chúc, tài sản thừa kế phân chia thế nào? (Ảnh minh họa)

Trường hợp 1: Di chúc bị mất trước thời điểm mở thừa kế

Đối với trường hợp này, trước thời điểm mở thừa kế nghĩa là lúc này người để lại di chúc vẫn còn sống. Khi đó, người để lại di chúc hoàn toàn có thể lập một bản di chúc mới thay thế cho bản di chúc đã bị thất lạc trước đó.

Bởi tại khoản 5 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng mới có hiệu lực.

Trường hợp 2: Di chúc bị mất sau thời điểm mở thừa kế

Kể từ thời điểm mở thừa kế, di chúc bị mất và không được tìm thấy, cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật. Lúc này, pháp luật không căn cứ vào di chúc để phân chia di sản thừa kế mà sẽ chia thừa kế theo pháp luật.

Nếu chưa chia thừa kế mà tìm thấy bản di chúc đã thất lạc thì sẽ chia thừa kế theo di chúc. Lúc này, di chúc vẫn còn nguyên hiệu lực.

Ngoài ra, nếu đã chia thừa kế theo pháp luật mà trong thời hiệu yêu cầu chia thừa kế (30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản – Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015) lại tìm thấy bản di chúc đã bị thất lạc, người thừa kế theo di chúc có yêu cầu chia theo di chúc thì phải chia lại thừa kế theo di chúc.

Ngược lại, vẫn trong trường hợp này nhưng người được hưởng di sản theo di chúc không có yêu cầu chia thừa kế lại như trong di chúc thì không phải chia thừa kế lại.

Như vậy, thời điểm tìm thấy bản di chúc đã thất lạc, di chúc vẫn còn hiệu lực. Nhưng bởi không có yêu cầu chia thừa kế lại nên nội dung được thể hiện trong di chúc mới không được thực hiện.

Tóm lại, để xác định hiệu lực của di chúc trong trường hợp bị thất lạc thì căn cứ vào nhiều yếu tố chứ không mặc định cho rằng mất di chúc là di chúc đó hết hiệu lực.

Xem thêm:

Di chúc có bắt buộc phải được công chứng, chứng thực?

Di chúc viết tay không người làm chứng có giá trị không?

Di chúc miệng được coi là hợp pháp khi nào?

Nguyễn Hương