Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý mới nhất 2021 cần biết Update 01/2025

Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sẽ mang lại giá trị thương mại cao cho sản phẩm đó. Trước khi nộp đơn đến Cục Sở hữu trí tuệ, các cá nhân, tổ chức cần nắm rõ điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Chỉ dẫn địa lý là gì?

Theo khoản 22 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung 2009, chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Ví dụ: Gốm sứ Bát Tràng, Nước mắm Phú Quốc, Bưởi Phúc Trạch…

Căn cứ Điều 88 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước.

Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Người thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.

Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ dưới hình thức cấp Văn bằng bảo hộ.

Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định điều kiện chung bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý như sau:

“Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

2. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định”.

Trong đó, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định cụ thể:

1. Danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý (Điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ 2005)

– Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.

– Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.

2. Điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý (Điều 82 Luật Sở hữu trí tuệ 2005)

– Các điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý là những yếu tố tự nhiên, yếu tố về con người quyết định danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

– Yếu tố tự nhiên bao gồm yếu tố về khí hậu, thuỷ văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác.

– Yếu tố về con người bao gồm kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương.

3. Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý (Điều 83 Luật Sở hữu trí tuệ 2005)

Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ.

Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lýĐiều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Ảnh minh hoạ)
 

Các đối tượng không được bảo hộ

Theo Điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, các đối tượng sau không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý:

– Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam.

– Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng.

– Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ hoặc đã được nộp theo đơn đăng ký nhãn hiệu có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa.

– Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

Tóm lại, chỉ dẫn địa lý thể hiện nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nhưng không phải sản phẩm nào cũng có thể đăng ký được chỉ dẫn địa lý. Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý tương đối chặt chẽ.

>> Bảo hộ tên thương mại: Có cần phải đi đăng ký?