Điều kiện khi kết hôn lần 2 bắt buộc phải nhớ Update 01/2025

Khi mục đích hôn nhân không đạt được, hai vợ chồng sẽ chọn cách ly hôn. Vậy sau khi ly hôn nếu muốn kết hôn lần 2 thì phải lưu ý những gì?

Khi nào việc ly hôn được pháp luật công nhận?

Theo quy định tại Điều 57 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật. 

Sau đó, Tòa án phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên ly hôn; cá nhân, tổ chức có liên quan khác.

Thuận tình ly hôn

Theo quy định tại Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trong thời gian 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải không thành mà không có đương sự nào thắc mắc, kháng cáo thì ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.

Đặc biệt: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Ly hôn đơn phương

Ly hôn đơn phương là việc các bên không thể thỏa thuận được về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân và chỉ có một trong hai bên, vợ hoặc chồng gửi yêu cầu ly hôn đến Tòa án. Khi đó, bản án sẽ được cấp cho các đương sự trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày kết thúc phiên tòa.

Đối với bản án sơ thẩm, các đương sự có thể kháng cáo bản án trong thời gian 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Bên cạnh đó, thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng từ ngày tuyên án.

Sau đó, nếu xét xử ly hôn đơn phương theo thủ tục phúc thẩm thì bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Như vậy, khi ly hôn sơ thẩm thì bản án của Tòa sẽ có hiệu lực pháp luật trong 03 ngày kể từ ngày kết thúc phiên tòa; nếu có kháng cáo, kháng nghị thì thời gian tối đa có hiệu lực của bản án phúc thẩm là 1,5 tháng.

Tóm lại, quyết định công nhận thuận tình ly hôn sẽ có hiệu lực pháp luật ngay còn nếu đơn phương ly hôn thì thời gian có hiệu lực pháp luật của bản án ly hôn sẽ dài hơn. Chỉ khi có bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực, cá nhân mới được quyền kết hôn với người khác.

kết hôn lần 2
Những lưu ý không được quên khi kết hôn lần 2 (Ảnh minh họa)

 

Cần giấy tờ gì khi muốn kết hôn lần nữa?

Hiện nay, không thiếu các trường hợp sống thử, sống chung với nhau như vợ chồng trong cuộc sống. Tuy nhiên, một trong những nguyên tắc quan trọng của chế độ hôn nhân và gia đình ở Việt Nam là tôn trọng chế độ một vợ một chồng, hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, vợ chồng bình đẳng.

Trong đó, việc đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác là một trong những hành vi bị cấm được nêu tại Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Theo đó, khi muốn kết hôn với người khác thì bắt buộc tại thời điểm kết hôn, hai người phải không có vợ hoặc chồng:

– Nếu chưa có vợ hoặc chồng thì bắt buộc phải có xác nhận tình trạng hôn nhân là từ khi đủ tuổi đăng ký kết hôn đến thời điểm đăng ký kết hôn còn độc thân;

– Nếu đã từng có vợ/chồng thì phải có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về việc ly hôn và giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nêu rõ từ thời điểm ly hôn chưa đăng ký kết hôn với ai.

Vậy có thể thấy, nếu muốn đăng ký kết hôn với người khác sau khi ly hôn thì người này phải thỏa mãn các điều kiện nêu tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014:

– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

– Việc kết hôn hoàn toàn do hai bên nam và nữ tự nguyện;

– Cả hai bên nam nữ không bị mất năng lực hành vi dân sự;

– Không phải kết hôn giả tạo;

– Không tảo hôn, cưỡng ép, lừa dối, cản trở kết hôn;

– Không phải đang có vợ hoặc có chồng, cũng không kết hôn với người đang có vợ, đang có chồng;

– Không kết hôn với người cùng dòng máu trực hệ; có họ trong phạm vi ba đời; Giữa cha, mẹ nuôi hoặc từng là cha mẹ nuôi với con nuôi; Giữa cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

>> Thủ tục ly hôn và những thông tin không thể bỏ qua