Pháp luật hiện hành quy định có trường hợp chuyển hộ khẩu phải đổi chứng minh nhân dân, có trường hợp không bắt buộc khiến nhiều người thắc mắc.
Các trường hợp phải đổi chứng minh thư
Theo Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định những trường hợp sau phải đổi Chứng minh nhân dân:
– Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng;
– Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;
– Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;
– Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Thay đổi đặc điểm nhận dạng;
– Trường hợp bị mất chứng minh nhân dân thì phải làm thủ tục cấp lại.
Như vậy, trường hợp chuyển hộ khẩu vào tỉnh khác thì phải làm thủ tục đổi Chứng minh nhân dân tại cơ quan Công an cấp quận, huyện nơi đăng ký thường trú mới. Còn trường hợp chuyển hộ khẩu trong cùng tỉnh thì không phải đổi chứng minh nhân dân.
Phải làm lại chứng minh nhân dân nếu đổi hộ khẩu sang tỉnh khác (Ảnh minh họa)
Thủ tục đổi chứng minh thư khi chuyển hộ khẩu
Hiện nay, theo quy định tại Luật Căn cước công dân 2014, Thông tư 11/2016/TT-BCA, Chứng minh nhân dân 9 số và 12 số theo mẫu cũ sẽ được cấp đổi sang thẻ Căn cước công dân.
Trình tự, thủ tục cấp thẻ được thực hiện như sau:
+ Công dân điền vào Tờ khai căn cước công dân.
+ Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân kiểm tra, đối chiếu thông tin về công dân trong Tờ khai căn cước công dân với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để xác định chính xác người cần cấp thẻ và thống nhất các nội dung thông tin về công dân; trường hợp công dân chưa có thông tin. Trường hợp Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chưa đi vào vận hành thì yêu cầu công dân xuất trình Sổ hộ khẩu.
+ Trường hợp công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ thu, nộp, xử lý.
+ Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng của người đến làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân để in trên Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân và thẻ Căn cước công dân theo quy định.
+ Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục. Trường hợp hồ sơ, thủ tục chưa đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn công dân hoàn thiện để cấp thẻ Căn cước công dân;
+ Cơ quan nơi tiếp nhận hồ sơ cấp giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân và trả thẻ Căn cước công dân theo thời gian và địa điểm trong giấy hẹn. Nơi trả thẻ Căn cước công dân là nơi làm thủ tục cấp thẻ.
Trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì công dân ghi cụ thể địa chỉ nơi trả thẻ tại Tờ khai căn cước công dân. Cơ quan nơi tiếp nhận hồ sơ trả thẻ Căn cước công dân tại địa điểm theo yêu cầu của công dân bảo đảm đúng thời gian và công dân phải trả phí dịch vụ chuyển phát theo quy định.
Do đó, nếu xin đổi Chứng minh nhân dân vào thời điểm này thì số trên thẻ Căn cước công dân là số khác với số trên Chứng minh nhân dân cũ. Khi chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân sẽ được cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.
Xem thêm:
Một số lưu ý khi sử dụng Chứng minh nhân dân
Luật Cư trú: 8 điểm mới người dân cần biết trong năm 2018
LuatVietnam