Dự án chung cư bị “siết nợ”, quyền của người mua nhà tính sao? Update 01/2025

Chủ đầu tư mang dự án chung cư thế chấp tại ngân hàng, khi đến hạn mà không thực hiện nghĩa vụ thì ngân hàng có quyền xử lý tài sản bảo đảm. Quyền lợi của người mua căn hộ chung cư được giải quyết ra sao khi chung cư bị “siết nợ”, dù họ không có liên quan đến các khoản nợ này?

Vì sao dự án chung cư bị ngân hàng “siết nợ”?

Theo Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp)”.

Điều 147 Luật Nhà ở 2014 quy định về thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai như sau: “Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó…”.

Theo các quy định nêu trên, chủ đầu tư có quyền thế chấp dự án chung cư của mình để vay tiền của ngân hàng. Dự án chung cư là tài sản bảo đảm để chủ đầu tư vay tiền tại ngân hàng.

Theo quy định Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản bảo đảm sẽ được xử lý trong trường hợp “đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ…”.

Như vậy, khi hết thời hạn theo hợp đồng thế chấp mà nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng thì ngân hàng có quyền thu giữ dự án chung cư của chủ đầu tư để thu hồi nợ.

Dự án chung cư bị “siết nợ”, quyền của người mua nhà tính sao?

Chủ đầu tư được phép thế chấp dự án chung cư cho ngân hàng (Ảnh minh họa)

Dự án chung cư bị “siết nợ”, quyền người mua nhà có được bảo đảm?

Khi không thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng thế chấp, nhà đầu tư phải giao tài sản bảo đảm cho ngân hàng để xử lý theo quy định. Trường hợp nhà đầu tư không giao tài sản thì ngân hàng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Theo Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015, các bên có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản bảo đảm sau: Bán đấu giá tài sản; Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản; Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm…

Như vậy, khi ngân hàng “siết nợ” dự án chung cư để nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ thế chấp của mình thì dự án chung cư thuộc quyền sở hữu của ngân hàng. Ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp theo một trong các phương thức nêu trên.

Trong trường hợp ngân hàng và chủ đầu tư thỏa thuận tiếp tục thực hiện dự án thì người mua nhà có quyền nhận được nhà.

Mặt khác, theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình, người mua nhà có quyền khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền để buộc chủ đầu tư vi phạm phải trả lại tiền và bồi thường thiệt hại.

Để giảm tối đa rủi ro khi mua nhà, người mua nhà cần tìm hiểu rõ thông tin về dự án và có quyền yêu cầu chủ dự án cung cấp đầy đủ thông tin về dự án chung cư trước khi ký hợp đồng mua nhà.

Xem thêm:

Mua nhà tại dự án đang thế chấp có thật sự đáng lo?

LuatVietnam