Đủ điều kiện mà không đăng ký thường trú có bị phạt không? Update 11/2024

Việc đăng ký thường trú vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của công dân. Vậy, những người đã đáp ứng đủ điều kiện mà không đăng ký thường trú có bị phạt không?

Câu hỏi: Chào LuatVietnam. Tính tới tháng 10/2021, tôi đã lấy chồng được 01 năm, chuyển hẳn về nhà chồng sinh sống. Nhưng từ đó tới nay, tôi vẫn chưa cắt hộ khẩu ở nhà mẹ đẻ. Hôm nay, cảnh sát khu vực có đến nhà và bảo tôi phải đăng ký thường trú ở nhà chồng đi. Vậy, nếu tôi không đăng ký thường trú có bị phạt không?

Chào bạn. Về câu hỏi của bạn, LuatVietnam xin giải đáp đến bạn như sau:

Theo khoản 4 Điều 22 Luật Cư trú 2020, người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.

Như vậy, nếu bạn chuyển đến ở nhà chồng mà đủ điều kiện đăng ký thường trú thì việc đăng ký thường trú là trách nhiệm của bạn. Trong vòng 12 tháng bạn phải chuyển hộ khẩu đến nhà chồng.

Nếu cố tình không thực hiện, bạn có thể bị xử phạt theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Điều 8. Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;

Như vậy, mức phạt là từ 100.000 – 300.000 đồng nếu bạn không chuyển hộ khẩu về nhà chồng nếu đủ điều kiện.


Đủ điều kiện mà không đăng ký thường trú có bị phạt không? (Ảnh minh họa)
 

Để biết, liệu bạn có bị phạt trong trường hợp này không, bạn cần biết bạn có đáp ứng đủ điều kiện đăng ký thường trú hay không.

Hiện nay, có 03 trường hợp đăng ký thường trú phổ biến theo Điều 20 Luật Cư trú, gồm:

1. Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.

2. Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:

a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

b) Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ;

c) Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ,

3. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó;

b) Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08 m2 sàn/ người.

Đối chiếu với quy định trên, bạn cần xem xét trường hợp của bạn đã đủ điều kiện đăng ký thường trú chưa nhé. Thông thường, trường hợp của bạn sẽ nhập khẩu theo đối tượng vợ về ở với chồng, cần được chủ hộ và chủ sở hữu nhà ở đồng ý. Nếu đủ điều kiện, bạn nên đi chuyển hộ khẩu để tránh bị xử phạt.

Nếu có bất cứ vấn đề vướng mắc nào về pháp luật, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> Thủ tục đăng ký thường trú từ 01/7/2021: Hướng dẫn từ A – Z

>> Từ 01/7/2021, có bắt buộc nhập khẩu với chồng sau khi cưới?