Hiện nay, nhiều hộ gia đình đang đầu tư mua các loại xe ô tô để thực hiện các hoạt động chở khách kiếm lời, nhất là vào các dịp lễ, Tết. Vậy, hoạt động kinh doanh xe gia đình, có phát sinh lợi nhuận có phải đăng ký kinh doanh vận tải không?
Hiểu đúng về hoạt động dùng xe gia đình để chở khách
Khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định:
“2. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.”
Theo quy định trên, hoạt động được coi là kinh doanh vận tải ô tô phải có đầy đủ các yếu tố sau:
– Thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải như: trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe, quyết định giá cước vận tải;
– Đối tượng vận chuyển là hành khách, hàng hoá;
– Hoạt động nhằm mục đích là sinh lời.
Như vậy, có thể thấy hoạt động dùng ô tô gia đình chở khách (có thu phí) sẽ được coi là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Dùng ô tô gia đình chở khách có phải đăng ký kinh doanh vận tải?
Khi cá nhân dùng ô tô gia đình để chở khách (có thu phí), thì phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật doanh nghiệp (do không thuộc một trong những trường hợp không phải đăng ký kinh doanh theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP).
Bên cạnh đó khoản 1 Điều 67 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định:
“1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật;
b) Bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ;
c) Bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;
d) Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải;
đ) Có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm yêu cầu về trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.”
Quy định trên đang hướng tới đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tuy nhiên, cá nhân kinh doanh vận tải phải đăng ký kinh doanh theo một trong những hình thức tổ chức kinh tế như trên. Sau khi có giấy chứng nhân đăng ký kinh doanh, đơn vị đó phải xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Như vậy, cá nhân khi sử dụng xe của gia đình để chở khách (có thu phí) cần phải xin các loại giấy phép sau:
– Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/hợp tác xã.
– Giấy phép đăng ký kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Phạt tới 20 triệu đồng khi chở khách mà không đăng ký kinh doanh vận tải
Theo khoản 7 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi dùng ô tô gia đình để chở khách mà không đăng ký kinh doanh có thể bị phạt như sau:
“Phạt tiền từ 07 – 10 triệu đồng đối với cá nhân, từ 14 – 20 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định;”
Như vậy, khi cá nhân, tổ chức chở khách mà không đăng ký kinh doanh vận tải, khi bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị xử phạt theo các mức tiền quy định như trên.
Xem chi tiết: Năm 2021, kinh doanh không có giấy phép bị xử phạt thế nào?
Như vậy, kinh doanh xe gia đình được coi là hoạt động kinh doanh vận tải. Cá nhân sử dụng ô tô gia đình để chở khách, có thu phí phải đăng ký kinh doanh và xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô.