Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp. Người đứng đầu quản lý và chịu trách nhiệm đối với hoạt động của chi nhánh là giám đốc. Vậy giám đốc chi nhánh có vai trò như thế nào? phạm vi quyền hạn ra sao?
Chi nhánh và chức năng của chi nhánh
Theo Khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về chi nhánh như sau:
“1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.”
Chi nhánh là một đơn vị trực thuộc doanh nghiệp, chi nhánh được thành lập nhằm mục đích mở rộng quy mô, thị trường kinh doanh của doanh nghiệp. Theo Điều 84 Bộ Luật Dân sự 2015, chi nhánh không có tư cách pháp nhân.
Về địa điểm được phép đặt chi nhánh, doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện tại một địa phương theo địa giới đơn vị hành chính và có thể thành lập chi nhánh ở trong nước và nước ngoài.
Ví dụ: Doanh nghiệp A ở Hà Nội, họ có thể thành lập các chi nhánh ở một hoặc nhiều địa điểm tại các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp sẽ quyết định thành lập chi nhánh. Trường hợp thành lập chi nhánh, doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký hoạt động của chi nhánh đến Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt chi nhánh. Hồ sơ bao gồm:
– Thông báo thành lập chi nhánh;
– Bản sao quyết định thành lập và bản sao biên bản họp về việc thành lập chi nhánh.
Vai trò của giám đốc chi nhánh
Khoản 5 Điều 84 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.”
Hiện tại, pháp luật doanh nghiệp không quy định cụ thể về những nội dung liên quan đến người đứng đầu chi nhánh (chức danh, vai trò, quyền và nghĩa vụ).
Về chức danh, trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Chi nhánh không quy định rõ chức danh mà chỉ ghi là người đứng đầu chi nhánh. Tuy nhiên, trên thực tế người đứng đầu chi nhánh thường được gọi là giám đốc chi nhánh. Giám đốc chi nhánh không cần bắt buộc phải là thành viên của công ty.
Xem chi tiết: Chồng làm giám đốc, vợ không được giữ chức vụ gì trong công ty?
Lưu ý: Giám đốc chi nhánh đại diện cho các giao dịch của chi nhánh trong phạm vi uỷ quyền.
Theo đó, giám đốc chi nhánh không đương nhiên có quyền đại diện cho chi nhánh mà quyền này chỉ phát sinh khi có ủy quyền của người đại diện của công ty.
Phạm vi ủy quyền như thế nào là do người đại diện theo pháp luật của công ty quyết định. Và trong bất cứ hoàn cảnh nào, công ty cũng có quyền hủy việc ủy quyền cho giám đốc chi nhánh.
Khi chi nhánh ký kết một số hợp đồng hoặc thực hiện một số công việc mà cần sự cho phép của công ty, giám đốc chi nhánh phải xuất trình được văn bản uỷ quyền của công ty cho chi nhánh.
Như vậy, giám đốc chi nhánh có thể được bổ nhiệm từ người ngoài công ty. Giám đốc chi nhánh chỉ được thực hiện các công việc trong phạm vi mà công ty uỷ quyền.
Nếu có thắc mắc liên quan đến vấn đề này, độc giả vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.