Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH: 5 điều cần biết Update 01/2025

Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những giấy tờ quan trọng để người lao động được hưởng các chế độ từ việc tham gia BHXH. Song không phải ai cũng hiểu rõ về loại giấy tờ này.

Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH dùng làm gì?

Dù không định nghĩa Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội là gì, tuy nhiên, cả Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội trong lĩnh vực y tế đều đề cập đến loại giấy tờ này.

Do đó, có thể hiểu, Giấy chứng nhận này sẽ liên quan tới hồ sơ hưởng các chế độ bảo hiểm. Cụ thể:

– Chế độ ốm đau: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội trong trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú (theo khoản 1 Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Xem chi tiết hồ sơ hưởng chế độ ốm đau tại đây.

– Chế độ thai sản: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp điều trị ngoại trú nếu lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý hoặc người lao động thực hiện biện pháp tránh thai (theo khoản 2 Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Xem chi tiết hồ sơ hưởng chế độ thai sản tại đây.
 

3 điều kiện để Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hợp lệ

Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Thông tư 56/2017/TT-BYT, việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội phải đáp ứng các yêu cầu:

  • Do cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động cấp. Người hành nghề (y sĩ, bác sĩ) làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh này được ký Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo sự phân công của người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh đó.
  • Phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh nơi cấp Giấy đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
  • Phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH

Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH: 5 điều cần biết (Ảnh minh họa)
 

Mỗi lần khám chỉ được cấp 01 Giấy chứng nhận

Cũng theo Thông tư này, cụ thể khoản 2 Điều 20 nêu rõ:

Một lần khám chỉ được cấp 01 Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Với trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên Giấy, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

Nếu trong cùng một thời gian, người bệnh được nhiều chuyên khoa của các cơ sở khám, chữa bệnh khác nhau khám và cùng cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc thì chỉ được hưởng 01 trong những Giấy có thời gian nghỉ dài nhất.

Trường hợp khám nhiều chuyên khoa trong cùng 01 ngày tại cùng 01 cơ sở khám, chữa bệnh thì cũng chỉ được cấp 01 Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
 

4 trường hợp được cấp lại Giấy chứng nhận

Khoản 5 Điều 26 Thông tư 56/2017/TT-BYT có nêu, cơ sở khám, chữa bệnh đã cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH có trách nhiệm cấp lại giấy này trong các trường hợp:

  • Bị mất, bị hỏng;
  • Người ký Giấy chứng nhận không đúng thẩm quyền;
  • Việc đóng dấu trên Giấy chứng nhận không đúng quy định;
  • Có sai sót về thông tin được ghi trên Giấy.

Trong những trường hợp cấp lại, Giấy sẽ có dấu “Cấp lại”.

Ngoài ra, nếu có sai sót về thông tin được ghi trên Giấy thì cơ sở khám, chữa bệnh cũng có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung cho đúng và đóng dấu treo của cơ sở khám, chữa bệnh tại phần nội dung sửa đổi, bổ sung.
 

Mẫu Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội

Để tránh tình trạng một số cơ sở khám, chữa bệnh làm giả giấy tờ bán lại cho người có nhu cầu, LuatVietnam giới thiệu mẫu Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội chính thống ban hành kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT.

Cụ thể:

Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH

Trên đây là những thông tin về Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Bất cứ người lao động nào cũng nên quan tâm đến những thông tin này.

>> 2 trường hợp có giấy chứng nhận nghỉ việc vẫn không được hưởng BHXH

Thùy Linh